Đề án của TP. Hà Nội nhằm nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công - Ảnh: VGP/Gia Huy
Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 11 tổ chức ngày 10/3/2022.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, Đề án nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, phát huy tối đa nguồn lực từ tài sản công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Quỹ nhà chuyên dùng tập trung tại 4 quận nội đô
Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, tổ chức kinh doanh nhà quản lý, khai thác, bao gồm: Quỹ nhà chuyên dùng, quỹ nhà chung cư tái định cư; quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại các chủ đầu tư phải bàn giao cho Thành phố; Quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; quỹ nhà công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, riêng quỹ nhà chuyên dùng được hình thành qua nhiều giai đoạn của lịch sử, từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Quỹ nhà nằm tập trung tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng và đan xen sở hữu nhà nước với sở hữu tư nhân.
Quỹ nhà chuyên dùng chủ yếu là nhà được xây dựng từ trước năm 1954 nên chất lượng công trình đã xuống cấp, không ít công trình thuộc diện nhà nguy hiểm. Tuy nhiên việc cải tạo sữa chữa không được quan tâm, duy trì thường xuyên theo quy định về quản lý công trình xây dựng. Việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà phần lớn do đơn vị sử dụng nhà thực hiện cho phù hợp với yêu cầu sử dụng.
Trong quá trình quản lý, quỹ nhà chuyên dùng có nhiều di biến động (tăng, giảm, đổi công năng chuyển sang chế độ quản lý khác...), UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành và doanh nghiệp được giao quản lý rà soát số liệu nhà chuyên dùng trên địa bàn Hà Nội là 840 địa điểm với diện tích nhà là 178.148m2, diện tích đất là 155.156m2.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội hiện đang quản lý 803 địa điểm, UBND quận Hà Đông quản lý 16 địa điểm, UBND thị xã Sơn Tây quản lý 01 địa điểm và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội quản lý 20 địa điểm.
Trong thời gian qua, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội rà soát, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, xử lý khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới căn bản công tác quản lý, nâng cao hiệu quả nhà chuyên dùng: Rà soát, tổng hợp, phân loại hiện trạng 840 cơ sở thuộc quỹ nhà; thanh tra, thu hồi, xử lý một số diện tích nhà bị lấn chiếm, sử dụng sai quy định; nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, vận hành quỹ nhà chuyên dùng theo hướng chuyển từ cho thuê theo hình thức ký hợp đồng sang đấu giá cho thuê...
Đối với trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Thành phố, theo quy định, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không được phép sử dụng trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp được giao quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng nhà, đất mà đơn vị chưa sử dụng hết công suất hoặc hiệu quả sử dụng chưa cao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng phải lập Đề án sử dụng tài sản công trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt.
Hiện nay, Thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng 43.790m2 đất và trên 9.910 m2 nhà thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Số nợ còn phải thu của các quỹ nhà là trên 884 tỷ đồng
Theo tổng hợp của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng số nợ còn phải thu của các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố tính đến thời điểm hiện tại là trên 884 tỷ đồng, trong đó được phân chia thành 3 nhóm nợ chính.
Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay là trên 9 tỷ đồng. Nguyên nhân do 3 năm gần đây, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số đơn vị, cá nhân thuê/ sử dụng nhà không kinh doanh được, kinh doanh không hiệu quả, các đơn vị cố gắng nộp tiền thuê nhà nhưng thường nợ quý sau trả tiền thuê nhà quý trước, hoặc có nợ tiền thuê nhà và có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà chuyên dùng, nhà ở cũ do ảnh hưởng của đại dịch.
Nợ khó thu là trên 492 tỷ đồng, nguyên nhân do hợp đồng thuê nhà đã hết hạn, chưa được tiếp tục ký lại, hàng năm Công ty quản lý nhà vẫn lấy giá thuê nhà cũ và hợp đồng cũ để tính tiền thuê nhà và yêu cầu các đơn vị thuê nhà phải trả, do vậy phát sinh nợ đọng của các đơn vị thuê nhà. Nhiều đơn vị chây ỳ, nợ đọng tiền thuê nhà, các vị trí này đã có phương án xử lý thu hồi nhà chuyên dùng, các khoản nợ tiền thuê nhà phần lớn phát sinh tại thời điểm hợp đồng thuê nhà đã hết hạn; các khoản nợ tiền thuê nhà phần lớn thuộc các trường hợp đơn vị thuê trước đây không còn, địa điểm nhà chuyên dùng do đối tượng khác sử dụng.
Ngoài ra, đơn vị quản lý nhà đã buông lỏng quản lý để cho các cá nhân thuộc xí nghiệp nhà tự cho dân vào ở tại các căn hộ tái định cư, trong khi các hộ dân chưa ký hợp đồng mua nhà và nộp tiền mua nhà theo quy định.
Nợ xấu, khó đòi khả năng thu hồi rất thấp là trên 382 tỷ đồng. Nợ không có khả năng thu do vướng mắc về cơ chế, chính sách để tháo gỡ, xử lý dứt điểm về công tác quản lý do các đơn vị thuê bị cưỡng chế thu hồi nhà thuê của Nhà nước tuy nhiên việc cưỡng chế chưa thực hiện được. Nợ của các trường hợp thuê nhà của Nhà nước nhưng đã chuyển ở hoặc giá trị công trình trên khuôn viên nhà thuê của Nhà nước đã được xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không đúng quy định.
Rà soát, thống kê toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước
Để thời gian tới Hà Nội quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công, Đề án đưa ra giải pháp cụ thể đối với từng nhóm tài sản công.
Cụ thể như quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các tổ chức, đơn vị kinh doanh nhà quản lý, khai thác: Rà soát, thống kê toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác, tổ chức phân loại theo từng nhóm nhà, phương án sử dụng, đối tượng thuê, vướng mắc, vi phạm; làm cơ sở đề xuất kế hoạch, lộ trình xử lý, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Xây dựng Đề án khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.
Hà Nội cũng đặt giải pháp kiên quyết thu hồi để quản lý, xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất phải bàn giao về Thành phố, không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính về nhà, đất kéo dài và lập phương án sử dụng, khai thác hiệu quả nhà, đất đã thu hồi, chưa sử dụng để phát huy nguồn lực từ các tài sản này, tránh lãng phí.
Phân loại và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (nợ đọng tiền thuê, bị chiếm dụng hoặc tự bố trí cho thuê trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu...).
Trên cơ sở kết quả phân loại, trường hợp vi phạm phức tạp, kéo dài nghiên cứu áp dụng biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.
Đồng thời, nghiên cứu áp dụng các hình "đấu giá cho thuê" thay cho hình thức "cho thuê chỉ định" đối với các diện tích nhà, đất đáp ứng quy định nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo hướng thị trường. Bán đấu giá hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, phục vụ mục đích công cộng đối với những cơ sở nhà, đất quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, không có nhu cầu sử dụng.