Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 20/2/2023 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các Ủy viên Hội đồng, gồm:
- Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an, Xây dựng; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ.
- Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên Hội đồng, Cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Chi phí thẩm định của Hội đồng thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP. Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đảm bảo yêu cầu tiến độ.
Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.
*Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nêu rõ, đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Nghị quyết, đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư (đất ở) khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỉ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể, về nguồn vốn đầu tư, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án.
Trong đó, thành phố Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 3.740 tỉ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỉ đồng. Cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án.