Theo kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội đến năm 2030, ngoài việc tập trung phát triển đô thị vệ tinh, Hà Nội sẽ cân đối nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, nhà ở xã hội... Đồng thời, quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 44 triệu mét vuông sàn nhà ở. Ảnh: Thùy Chi
Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển khoảng 44 triệu mét vuông sàn nhà ở. Trong đó, năm 2021, phát triển 88.000m2 sàn nhà ở xã hội, 106.000m2 sàn nhà ở tái định cư, 573.000m2 sàn nhà ở thương mại.
Để đạt được các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, việc phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 - 2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.
Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, TP. Hà Nội đã cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư. Triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở cho thuê phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, tổ chức kiểm tra các dự án, tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.
Đối với các dự án chậm triển khai, năng lực kém, cố tình chây ì sẽ bị thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác. Sau đó sẽ công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn TP. Hà Nội. Đối với nhu cầu nhà ở, cần cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở để phân bổ phù hợp từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực.
Một tín hiệu khả quan khác góp phần đưa kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội thành hiện thực, đó là việc dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tới có một số điểm mới bổ sung về nhà ở xã hội có tác động tích cực đến thị trường.
Đáng chú ý là việc dự án Luật bổ sung nội dung phát triển nhà lưu trú công nhân tại mục 3 (từ Điều 98 - Điều 107) về phát triển nhà lưu trú cho công nhân, tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế về phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp hàng chục năm nay. Theo quy định mới này, nhà lưu trú cho công nhân cũng được ưu đãi như được giao đất không thu tiền sử dụng đất; được miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi như nhà ở xã hội.
Cùng với đó, trong dự án Luật bổ sung ưu đãi về lãi thu được từ kinh doanh diện tích 20% xây dựng nhà ở thương mại được hạch toán riêng dùng để hỗ trợ xây dựng hỗ trợ kỹ thuật của dự án. Phần kinh doanh diện tích nhà ở thương mại này được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án. Quy định mới này hỗ trợ thêm cho chủ đầu tư để khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội.
Ngoài ra, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) còn bổ sung việc dành 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của địa phương dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho thuê quy định tại Khoản 3 Điều 91. Điểm nhấn ở nội dung này làm rõ việc bổ sung nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê…
Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đã xác định rõ 6 quan điểm, mục tiêu tổng quát với 9 mục tiêu cụ thể, 2 nhóm chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm với 12 chỉ tiêu cụ thể, 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 66 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó nhiều giải pháp mới phù hợp thực tiễn, tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò nhà nước trong công tác phát triển nhà ở, cũng như điều tiết thị trường bất động sản, việc phân công tổ chức thực hiện cụ thể.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030: Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn Thành phố đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư; khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (06 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thương, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 04 khu có nhà nguy hiểm cấp D: Giảng Võ; Thành Công: Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
Ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực mở rộng, đẩy mạnh phát triển các khu đô thị vệ tinh của Thành phố. Phấn đấu 100% dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số; các khu đô thị, khu nhà ở phải bố trí đầy đủ hạ tầng khung (cấp điện, cấp thoát - nước), đáp ứng đầy đủ cơ sở giáo dục công lập, chỗ tập kết rác thải, các điểm nạp sạc điện cho ô tô, xe máy và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.