Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công Dự án - Ảnh: VGP/Thế Phong
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường thực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự lễ khởi công dự án.
Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Phát biểu khởi công Dự án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế.
Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn đã chép: "Nước sâu lại rộng, ngoài có cá núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây". Những ghi chú bản đồ Đà Nẵng vẽ năm 1787 cũng cho rằng "vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi".
Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí "yết hầu" về quốc phòng - an ninh của đất nước.
Theo Chủ tịch nước, những cứ liệu lịch sử cho thấy thời kỳ cận đại, hoạt động thương mại quốc tế qua cửa biển Đà Nẵng khá sầm uất, nhưng những hoạt động thời bấy giờ chỉ là điểm chuyển tải và mang tính chất tiền cảng, chưa có những cơ sở hạ tầng và thiết bị tối thiểu cho một hải cảng.
Khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả khu bến Tiên Sa, cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và khu bến Liên Chiểu.
"Nhìn rộng hơn, cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới.
Bên cạnh đó, cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc- Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung.
Với những tiềm năng, lợi thế mang tính thiên thời và địa lợi đó, chúng ta chỉ cần phát huy thêm yếu tố nhân hòa thì có thể thành công", Chủ tịch nước cho hay.
Vui mừng dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu- phần cơ sở hạ tầng dùng chung, Chủ tịch nước khẳng định đây là bước cụ thể rất thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Ý nghĩa của Dự án này nhằm tới mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, như tinh thần của Quyết định số 435 năm ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ", Chủ tịch nước phát biểu.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nghe chủ đầu tư báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - Ảnh: VGP/Thế Phong
Hướng đến xây dựng mô hình "cảng xanh" theo xu hướng của thế giới
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương tinh thần khẩn trương, sự nỗ lực, tích cực của TP. Đà Nẵng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương để có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý, tổ chức buổi khởi công dự án như hôm nay.
Để triển khai dự án cảng Đà Nẵng bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, Chủ tịch nước lưu ý chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra, giải ngân vốn đầu tư công dành cho dự án đúng kế hoạch, nhanh chóng đưa dự án đi vào vận hành, khai thác nhằm phát huy hiệu quả dự án; thực hành nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư, an toàn trong thi công, giảm thiếu các tác động đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình xây dựng.
Chủ tịch nước yêu cầu các bên liên quan đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình "cảng xanh" theo xu hướng của thế giới; đồng thời phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.
Cạnh đó, phải đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.
Đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển.
Lễ khởi công dự án - Ảnh: VGP/Thế Phong
"Tôi đề nghị chính quyền TP. Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân nên chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống, khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng.
Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa Thành phố phát triển lên tầm cao mới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định việc triển khai Dự án là mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường thực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu quan sát về khu vực triển khai dự án cảng Liên Chiểu - Ảnh: VGP/Thế Phong
"Dự án được khởi công hôm nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng và trong khu vực", ông Lê Trung Chinh nêu rõ.
Theo dự báo của, với tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt trung bình 10%/năm. Năm 2020 lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn. Dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm tới. Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho Bến cảng Liên Chiểu, tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu, trong đó: Giai đoạn đầu (đầu tư 2 bến khởi động) đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm và phát triển các bến trong giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố và trong khu vực.
Ngày 18/4/2022, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Bến cảng Liên Chiểu tại Quyết định số 1059/QĐ-UBND với tổng diện tích 450 ha, gồm các khu chức năng chính như sau:
- Các khu bến chính: Khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn, gồm 08 bến với tổng chiều dài 2.750m cho tàu từ 30.000-200.000 DWT.
Khu bến tổng hợp với tổng số lượng bến và chiều dài 06 bến/1.550m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 DWT (phía ngoài) và các tàu cở nhỏ phía trong (khoảng 30.000 DWT).
Khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200 m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT để phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.
Khu bến hàng lỏng/khí: Gồm 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT.
Khu kho bãi đường sắt: Làm bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia.
Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hành chính dịch vụ; vành đai cây xanh cách ly.
- Hạ tầng dùng chung gồm: Đê kè chắn sóng, luồng tàu và khu nước, đường giao thông kết nối cảng và hạ tầng kỹ thuật khác, với tổng mức đầu tư: 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng).
Tiến độ thực hiện: Từ năm 2021- 12/2025 đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu.