Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược) là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Rừng tràm tại khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh THANH BÌNH)
Trong các nhiệm vụ cụ thể thúc đẩy tăng trưởng xanh được tích cực triển khai trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ chủ trì hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp ngành và địa phương. Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đầu tư-doanh nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược và các công cụ quản lý hỗ trợ thực hiện, nhất là xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong nước và nước ngoài.
Đối mặt nhiều thách thức, rào cản
Chia sẻ bài học kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh ở địa phương trong hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh đến từ phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết, đó là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể là bổ sung xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa với nội dung tập trung giải quyết vấn đề tích tụ đất đai, cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Các địa phương căn cứ tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của mình để phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, không thể thiếu các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, thích ứng biến đổi khí hậu thông qua phát triển cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, phát huy lợi thế từng địa phương, xây dựng hệ sinh thái kinh tế nông thôn... Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Tập đoàn PAN cho rằng, tầm nhìn và sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tìm được đối tác sẵn sàng đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và yếu tố quan trọng khác là sự đồng lòng của người lao động.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xây dựng bộ chỉ số về phát triển bền vững, PAN thu về kết quả khá tích cực, thể hiện ở việc xuất khẩu thành công hàng hóa đến hơn 40 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ... và nhận được đầu tư từ những đối tác lớn. Thế nhưng, đó không phải là hành trình dễ dàng, vì trong quá trình triển khai, Tập đoàn phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay từ vấn đề nhận thức, yếu tố môi trường kinh doanh đến chi phí đầu tư.
Tại hội thảo, các chuyên gia nêu những con số đáng chú ý: Nếu không bảo vệ môi trường, ước tính giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP và tăng lên 8-10% nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân. Do đó, ngay cả khi tăng trưởng GDP đạt mức 8%-9% cũng sẽ không có ý nghĩa nếu không phát triển xanh, bền vững.
Khơi thông các nguồn lực
Ngay từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn 2050. Sau gần 10 năm triển khai Chiến lược, nhận thức của người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên...
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức do vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đáng lưu ý, nguồn lực cho tăng trưởng xanh còn hạn chế, nhất là nguồn vốn đầu tư công để thực hiện vốn mồi làm đòn bẩy cho huy động đầu tư tư nhân trong bối cảnh hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm dần.
Tiến sĩ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Giáo dục Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Mặc dù đang tồn tại một số rào cản nhất định nhưng tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới. Năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng. Kế hoạch hành động đã xác định rõ lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu về kinh tế-xã hội, môi trường cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời phù hợp cam kết của Việt Nam về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Các nhiệm vụ, hành động tại kế hoạch được tính toán và xây dựng trên cơ sở lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh cao có tính đến tác động tích lũy của tất cả các giải pháp khả thi về kỹ thuật, trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên có tính đồng lợi ích, sẵn sàng về năng lực thực thi, bảo đảm cân đối chi phí-lợi ích trong dài hạn và có khả năng lan tỏa, thay vì chỉ tính đến tác động tích lũy của các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.
Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.