Công tác chống ngập, úng của thành phố Hải Phòng

Thứ năm, 15/09/2022 16:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của Hải Phòng gia tăng nhanh; số lượng ao hồ, kênh mương bị san lấp, thu hẹp ngày càng nhiều khiến quá trình tự thấm nước trong các đô thị giảm, xuất hiện hiện tượng gia tăng các dòng chảy nước mặt trong đô thị, từ đó gây áp lực lên hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Ngoài ra, cao độ nền của một số khu vực đô thị còn thấp, trũng, sự thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng thoát nước, ý thức của cộng đồng bảo vệ hệ thống thoát nước chưa cao … cũng góp phần gây nên tình trạng ngập lụt trong thành phố Hải Phòng khi trời mưa to, kéo dài. Trước thực trạng này, Hải Phòng đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp cần thiết nhằm tăng cường khả năng thoát nước, chống ngập cho đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu.


Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng nạo vét cống, đảm bảo năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị

Hiện nay, hệ thống thoát nước của thành phố Hải Phòng được chia làm 7 lưu vực chính gồm: 12 hồ điều hòa có tổng diện tích 67.97ha; 27,04km kênh mương các loại; 8 trạm bơm nước mưa; 22 cống ngăn triều các loại; 652km đường cống, gần 12.000 ga hàm ếch; 1 nhà máy xử lý nước thải và 1 khu xử lý bùn.

Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã đầu tư xây dựng nhiều dự án thoát nước trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:

Dự án thoát nước và vệ sinh chủ yếu tiến hành nạo vét bùn lắng trong hệ thống thoát nước hiện trạng và cải tạo xây mới khoảng 23km đường ống, xây mới hồ điều hòa Phương Lưu với diện tích 22,9ha. Dự án tính toán thiết kế với lượng mưa bình quân khoảng 20mm/h và diện tích bao phủ của dự án là khoảng 25% diện tích 3 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân).

Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng (giai đoạn 1) đã tính toán lượng mưa khoảng 87mm trong 3h với chu kỳ lặp lại 5 năm, có diện tích bao phủ rộng hơn Dự án thoát nước và vệ sinh thành phố Hải Phòng (đã nêu trên). Tuy nhiên do thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn chưa tính toán thiết kế để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên khả năng tiêu thoát nước chưa đáp ứng với lượng mưa hiện tại.

Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp đô thị Hải Phòng chủ yếu cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư thu nhập thấp, công trình cải tạo thoát nước đáng kể nhất là cứng hóa mương An Kim Hải nhưng không có trạm bơm tiêu thoát nước để điều tiết nước hồ điều hòa, nước trong mương thoát nước, do đó chưa hỗ trợ hiệu quả cho công tác chống ngập.

Đánh giá thực trạng hệ thống thoát nước đô thị của thành phố Hải Phòng, ông Phạm Quang Quỳnh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho biết: hệ thống thoát nước của thành phố hiện nay đan xen giữa cũ và mới, thiếu đồng bộ, còn chắp vá và hầu hết là hệ thống thoát nước chung (tức là thoát nước thải lẫn thoát nước mưa). Kích thước đường ống nhỏ (D400 - D1.000) chiếm tỷ lệ khoảng 86,66%; số lượng cống trục loại từ D1200 - D2000 chỉ chiếm khoảng 17,34%; diện tích hồ điều hòa chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 0,6% (trong khi đó theo tiêu chí của đô thị loại I, diện tích hồ điều hòa tối thiểu phải đảm bảo từ 5 - 7% đất xây dựng đô thị); phần lớn hồ có độ sâu trung bình từ 2,0 - 3,5m, dung tích tham gia điều hòa nước mưa thường nhỏ, chiếm khoảng một nửa dung tích hồ do không thể hạ mức nước hồ xuống mực nước chết để đảm bảo cảnh quan; các hồ điều hòa chưa có trạm bơm công suất lớn để chủ động tiêu thoát nước; nhiều tuyến mương hở tiêu thoát nước bị san lấp, thu hẹp dòng chảy. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh những hệ thống thoát nước chưa phát triển kịp với nhịp độ phát triển. Đô thị mở rộng, dân số tăng nhưng hệ thống thoát nước chỉ kéo dài thêm mà không rộng hơn. Ví dụ: đường ống thoát nước được thiết kế cho vùng tiêu thoát nước có diện tích khoảng 10ha, đến khi vùng đó mở rộng lên 20ha, tức là diện tích tăng gấp đôi nhưng cống thoát nước vẫn như cũ, chỉ kéo dài hơn mà không thay đổi hệ thống cống to hơn, không làm cửa xả to hơn và cũng không tăng số lượng cửa xả.

Những năm gần đầy, hệ thống thoát nước cũ của đô thị Hải Phòng đã được các dự án đầu tư mở rộng qua nhiều thời kỳ góp phần tăng khả năng tiêu thoát nước cho một số lưu vực, góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước cơ bản vẫn thiếu đồng bộ, các hạng mục xây dựng mới chủ yếu được xây dựng để giải quyết vấn đề ngập lụt trước mắt nên khả năng tiêu thoát nước mưa còn hạn chế, cơ bản chỉ đáp ứng được yêu cầu thoát nước đối với những trận mưa cường độ trung bình khoảng 50mm. Trước tình hình mưa bão diễn biến bất thường cùng với biến đổi khí hậu và thực trạng hệ thống thoát nước như hiện nay, hiện tượng ngập lụt khi có mưa lớn gặp lúc triều cường tại đô thị Hải Phòng sẽ ngày càng tăng và có xu hướng ngập sâu hơn.

Ông Phạm Quang Quỳnh cho biết, để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, chống ngập lụt cho đô thị Hải Phòng, thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp như tăng cường công tác duy tu, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thoát nước hiện hữu; thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ha, nạo vét bùn lắng trong các lòng cống, kênh mương, khơi thông dòng chảy, cửa xả tiêu thoát nước; ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ, nâng cấp hệ thống thoát nước cho một số khu vực bức xúc về thoát nước. Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật đã và đang thi công, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, thực hiện việc đấu nối thoát nước, tháo dỡ các điểm hoành triệt để đảm bảo việc tiêu thoát nước. Các dự án dở dang cần khẩn trương hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng; cần đề xuất lập dự án thoát nước cho các điểm đen về ngập lụt trên địa bàn các quận trung tâm; tuyên truyền nâng cao ý thức công dân, tăng cường sự tham gia của cộng đồng; theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng thủy văn và các thông tin về thời tiết...

Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Quỳnh kiến nghị triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch thoát nước thải và thoát nước mưa đã được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt. Theo đó, Hải Phòng cần xây dựng bổ sung 447,84km đường cống các loại, 33 trạm bơm nước mưa. Sau khi quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi hướng tới thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước các khu vực còn thiếu và yếu về thoát nước. Dự án đầu tư xây dựng mới phải đồng bộ và kết nối được với các công trình thoát nước hiện trạng có tính đến biến đổi khí hậu cho từng lưu vực thoát nước phù hợp với khả năng nguồn vốn; lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị Hải Phòng để quản lý xây dựng. Các đơn vị chức năng cần quản lý việc xây dựng và tuân thủ cao độ nền đã được phê duyệt của tất cả các dự án, các công trình xây dựng; lập hệ thống bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu gom nước tại chỗ và điều tiết nước khi có mưa và gặp triều cường; lắp đặt bổ sung các trạm bơm tại các hồ điều hòa, nâng công suất các trạm bơm hiện có; nâng cấp, cải tạo các hồ điều hòa, kênh mương hiện có để tăng khả năng lưu chứa nước; nghiêm cấm các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng sông và các công trình thoát nước; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tham gia công tác quản lý giữ gìn, bảo vệ và phát triển hệ thống thoát nước.

Ngập lụt là vấn đề nan giải của nhiều đô thị hiện nay, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là do tác động bất thường của biến đổi khí hậu. Giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị cần phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, xã hội và người dân. Hiện nay, Hải Phòng đang từng bước thực hiện tốt các yêu cầu này, góp phần nâng cao khả năng thoát nước, chống ngập cho đô thị.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)