Nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp. Ảnh minh họa
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội, đến năm 2030, thành phố sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.204 ha. Bên cạnh những cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả, Thành phố đang đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ khởi công những cụm công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng.
Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Đáng nói, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích. Dù vậy, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu về mặt bằng sản xuất công nghiệp vẫn đang rất lớn.
Giai đoạn 2018-2020, thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập thêm 43 cụm công nghiệp mới để kịp thời đáp ứng nhu cầu này, song do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay, Thành phố mới khởi công xây dựng được 7 cụm công nghiệp gồm Đại Thắng, Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Thắng Lợi, Tiền Phong-giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Đan Phượng-giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng) và Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).
Theo đại diện chủ đầu tư cụm công nghiệp Thanh Văn-Tân Ước (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Hạnh Vinh, bên cạnh việc hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, hiện các chủ đầu tư các cụm công nghiệp đang rất cần nguồn vốn lớn để triển khai, nhưng khó tiếp cận các tổ chức tín dụng với các gói vay ưu đãi, nhiều chủ đầu tư không biết sẽ triển khai dự án như thế nào.
Ngoài ra, một số chính sách có sự thay đổi, như việc các cụm công nghiệp chuyển nộp tiền thuê đất từ một lần sang nộp từng năm, khiến các chủ đầu tư khá lo lắng bởi vốn đầu tư vào cụm công nghiệp lớn, nên rất mong các chính sách có sự ổn định, lâu dài.
Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản nhằm đốc thúc tiến độ thực hiện mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn như Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp; Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.
Để bảo đảm đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp theo đúng kế hoạch đề ra, thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập.
Các sở: Công Thương, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường… phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và chủ đầu tư về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và giao đất theo giai đoạn đối với các dự án chỉ còn một phần diện tích nhỏ chưa giải phóng mặt bằng xong; nhất là cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để UBND Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa đối với những cụm công nghiệp có diện tích đất lúa hơn 10ha.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp.
Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh. Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung các cụm công nghiệp mới, loại bỏ các cụm công nghiệp không còn phù hợp phát triển, cải tạo, hoàn thiện những cụm công nghiệp đang hoạt động.
Ngoài ra, các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát, ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án…
Có thể thấy việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.