Giải quyết bài toán thoát nước, chống úng ngập tại Hà Nội

Thứ tư, 31/08/2022 14:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều 29/8, Đoàn giám sát số 1, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội về thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Trưởng đoàn, Trưởng đoàn giám sát số 1 chủ trì buổi làm việc.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác thoát nước đô thị

Tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra tại nhiều địa điểm, gây ra sự bức xúc với người dân thời gian gần đây. Là công ty quản lý đến 80% hệ thống thoát nước đô thị, đảm nhận khối lượng công việc rất lớn trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều vướng mắc, thách thức trong công tác này.

Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Hà Nội, hiện một số dự án đã hoàn thành thi công nhưng chưa được thanh thải, bàn giao, tiếp nhận đưa vào quản lý khai thác sử dụng nên chưa phát huy được hiệu quả đầu tư.

“Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hiện có 96 hạng mục thoát nước của các công trình/dự án đóng vai trò quan trọng trong công tác thoát nước và vệ sinh môi trường nhưng chưa được bàn giao sang Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý.

Trong đó, có 22 hạng mục công trình thoát nước thuộc dự án Thoát nước Hà Nội nhằm cải thiện môi trường Hà Nội đã thi công xong và sử dụng từ những năm 2013 đến 2016 nhưng đến nay chưa hoàn thành việc bàn giao để khai thác, quản lý vận hành hiệu quả đã đầu tư, góp phần giảm thiểu úng ngập”, ông Sơn nói.

Hệ thống thoát nước một số khu vực tại khu vực phố cổ, phố cũ được xây dựng từ trước năm 1954 đã xuống cấp tiềm ẩn xảy ra việc lún sụt mất an toàn, trên hệ thống còn tồn tại một số vị trí công trình ngầm khác cắt ngang làm thu hẹp dòng chảy, giảm khả năng thoát nước.

Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Hà Nội báo cáo về khó khăn, vướng mắc.

Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố đang triển khai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của các trục thoát nước chính. Tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi đó các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống thoát nước mưa chưa được xây dựng, hoặc chưa hoàn thành làm ảnh hưởng đến công tác thoát nước.

Việc bãi đổ Yên Sở được xây dựng và hoạt động theo quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang sử dụng công nghệ chôn lấp bùn thải thoát nước, ảnh hưởng tới công tác thoát nước.

Các khó khăn vướng mắc trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường hồ chưa được tháo gỡ. Các hồ điều hòa tham gia thực hiện trong công tác điều hòa khi mưa nhưng tạm dừng xử lý chất lượng nước.

Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nghiệm thu, thanh quyết toán các gói thầu, điều chỉnh đơn giá duy trì hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố và thanh toán quyết toán theo chế độ, chính sách hiện hành.

"Trong năm 2019, công ty được giao thực hiện bổ sung một số hạng mục phục vụ công tác phòng chống thiên tai và thoát nước đô thị trong năm 2019, công tác hút bùn, khơi thông dòng chảy, khắc phục hậu quả vụ cháy tại nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông (số 87-89 Hạ Đình) và công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch giai đoạn 2015-2018 trong năm 2019 (được gia hạn thời gian thực hiện đến quý II năm 2019 trong thời gian tổ chức đấu thầu) đến nay chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán với tổng giá trị 31.103.630.000 đồng.

Công ty đã có nhiều văn bản báo cáo UBND thành phố và các sở, ngành nhưng đến nay vẫn chưa được thanh quyết toán, gây ảnh hưởng lớn đến công tác tài chính của công ty", ông Sơn bày tỏ.

Cần phải xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước

Theo ông Sơn, thành phố Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725 ngày 10/5/3013. Trong đó, UBND thành phố đã phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị nhưng việc triển khai thiếu tính đồng bộ. Mặt khác, các dự án liên tục được xây dựng mà không có sự kết nối đồng bộ theo quy hoạch thoát nước của địa phương.

Đoàn giám sát đưa ra những kiến nghị tại buổi làm việc.

Việc không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực gây hiện tượng úng ngập. Vì vậy, công ty đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hướng dẫn lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị theo định hướng phát triển bền vững.

Đại diện công ty đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch thoát nước cần xem xét đồng bộ các yếu tố để thoát nước. Một yếu tố nữa là cần tách nước mưa và nước thải sinh hoạt tại các kênh, mương thoát nước Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét… để kiểm soát được lượng nước điều tiết ra. Đồng thời, cần tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn như Liên Mạc, Yên Sở, Đồng Bông để đẩy nước ra các dòng sông chính.

Đại diện Công ty đề xuất UBND thành phố sớm triển khai nạo vét, bổ cập nước hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ Tây; tạo dòng chảy động, bảo đảm vệ sinh môi trường trên tuyến sông Tô Lịch; tạo cảnh quan khu vực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của hồ Tây và dọc tuyến sông Tô Lịch.

“UBND thành phố cần đưa vào kế hoạch đầu tư khu xử lý bùn bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại thay cho công nghệ chôn lấp hiện đang sử dụng ở Yên Sở”, ông Sơn đề xuất.

Để hạn chế lượng nước xả tập trung vào hệ thống thoát nước chung gây quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị, các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị quản lý khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị phải xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước.

Về tình trạng nhiều nhà hàng, quán ăn, siêu thị và cửa hàng chế biến thực phẩm, chợ thực phẩm tươi sống, cửa hàng rửa xe/bảo dưỡng xe... xả nước thải chứa nhiều dầu mỡ vào hệ thống thoát nước gây tắc nghẽn đường ống thu gom và các hố ga dẫn đến úng ngập cục bộ hoặc sự cố tràn nước thải, công ty đề xuất thành phố Hà Nội cần giao các cơ quan chức năng nghiên cứu để ban hành quy định bắt buộc xử lý sơ bộ nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước.

Công ty đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo thanh tra xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến công tác thoát nước, công tác bảo vệ môi trường.

Ông Phan Hoài Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát cũng đã làm rõ một số vấn đề vướng mắc của công ty về cơ chế tài chính, về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế phối hợp giữa công ty với các sở, ban, ngành, các địa phương…

Trước những câu hỏi đặt ra của đoàn giám sát, ông Phan Hoài Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Hà Nội bày tỏ, hiện nay việc quy hoạch của Hà Nội là xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải chưa đạt đúng tiến độ đề ra. Các hồ điều hòa không đáp ứng được vai trò chống úng ngập.

“Các dự án mới chỉ coi hồ cảnh quan của khu vực, khi mưa không góp phần công tác thoát nước. Thậm chí nhiều nơi còn bơm ngược nước lại vào hệ thống thoát nước thành phố. Chúng tôi đã có báo cáo UBND thành phố đề nghị đơn vị liên quan chỉ đạo xây dựng quy chế chủ đầu tư khi mưa phải có sự phối hợp với chúng tôi”, ông Minh nói.

Ông cũng đề xuất cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành; phối hợp với thanh tra Sở Xây dựng để xử lý những việc sai phạm; phân cấp, phân quyền trong quy hoạch… Ông Minh cũng đề nghị chưa nên phân cấp hệ thống thoát nước và chiếu sáng về đơn vị quận, huyện mà thành phố cần quản lý chung vì nó mang tính hệ thống.

Phải làm rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong quá trình phối hợp

Kết luận tại buổi làm việc, bà Phùng Thị Hồng Hà đánh giá cao kết quả của công ty làm được trong thời gian qua. Với khối lượng công việc lớn, quản lý đến 80% hệ thống thoát nước đô thị, công ty đã cố gắng thực hiện tốt nhất kết quả mà thành phố giao từ công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước, kiểm soát quản lý hệ thống…

Liên quan đến tồn tại khó khăn, bà Hà đề nghị công ty nâng cao trách nhiệm trong "đeo bám" các vướng mắc. Với những vướng mắc khách quan như cơ chế, chính sách, sự thay đổi của quy hoạch, tốc độ phát triển đô thị… bà Hà đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong quá trình phối hợp với công ty giải quyết vấn đề.

“Công ty cần xây dựng tổ chức kế hoạch thoát nước chống úng ngập trên địa bàn được giao, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện sự cố thoát nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải tỏa những điểm hồ, mương, sông bị lấn chiếm. Đặc biệt, với các khu đô thị mới phát triển, cần phải phối hợp với Ban quản lý dự án để xử lý những vấn đề cấp thoát nước ngay từ đầu”, bà Hà nhấn mạnh.

Bà Hà cũng đề nghị công ty cần tăng cường quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và xử lý thoát nước của Hà Nội. Về mức xử phạt chưa đủ răn đe, bà Hà đề nghị công ty nên đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thể nâng mức xử phạt cao hơn với các đơn vị sai phạm.

Để cùng với Hà Nội trong việc giải quyết tình trạng úng ngập, bà Hà cho rằng, việc tuyên truyền cho người dân hiểu và tuân thủ rất quan trọng. Do đó, bà Hà đề nghị công ty tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban, ngành tăng cường truyền thông cho người dân hiểu hơn để tránh vứt túi ni-lông, đổ trộm bùn thải ra cống rãnh… giảm thiểu nguy cơ càng làm ách tắc dòng chảy, gây ra tình trạng úng ngập.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)