Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các công trình sai phạm trong đầu tư xây dựng, ngăn chặn kịp thời không để phát sinh mới các công trình vi phạm...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời không để phát sinh mới các công trình vi phạm. Ảnh minh họa - Thùy Chi
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Chỉ thị số 14 do UBND thành phố vừa ban hành, yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn...
Chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, số lượng các vụ cháy, nổ trên địa bàn TP. Hà Nội không ngừng gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và trật tự an toàn xã hội.
Đối với các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động trên địa bàn, UBND thành phố đã có văn bản đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục các vi phạm quy định về PCCC đối với các công trình này gửi Bộ Công an và Bộ Xây dựng, ban hành kế hoạch số 151 về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, hiện nay, qua công tác thống kê, báo cáo của Công an thành phố, việc triển khai thực hiện của các đơn vị và đặc biệt là các chủ đầu tư công trình vi phạm còn chậm trễ, chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân do ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa cao; công tác quản lý nhà nước về PCCC còn những hạn chế nhất định; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu "buông lỏng" quản lý; cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và hậu quả do cháy, nổ gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị Công an Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; kịp thời nắm bắt và tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC trong quá trình thi công đối với các công trình xây dựng mới theo quy định; kiến nghị, yêu cầu, hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC trong quá trình triển khai thi công xây dựng công trình.
Sở Xây dựng thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế về PCCC khi có văn bản góp ý về giải pháp, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC; chỉ nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của Cơ quan Cảnh sát PCCC; tham mưu, báo cáo đề xuất UBND TP. Hà Nội có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tổng hợp danh sách các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động.
Bảo đảm việc quy hoạch, cải tạo đồng bộ
Trong Chỉ thị 14, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp các sở, ngành liên quan trong quá trình lập quy hoạch, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... phải bảo đảm việc quy hoạch, cải tạo đồng bộ về giao thông, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc... đáp ứng yêu cầu về an toàn PCCC.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội đề xuất biện pháp quản lý an toàn điện (sau công tơ điện) tại các cơ sở sản xuất, nhà kho, nhà xưởng, nhà ở gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh; phối hợp với Công an Thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp (đặc biệt là các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động).
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê danh sách các trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất so với hồ sơ địa chính mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất UBND TP. Hà Nội các giải pháp, biện pháp khắc phục...
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao rà soát công tác cấp phép hoạt động vũ trường; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã rà soát công tác cấp phép hoạt động karaoke trên địa bàn thành phố; tuyệt đối không cho phép hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC.
UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với từng tồn tại, vi phạm về PCCC, đặc biệt trong năm 2022 yêu cầu: Bảo đảm khắc phục hoàn thành ít nhất 30% công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chây ì cố tình không thực hiện, cố tình không thực hiện.