Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khảo sát thực địa về quản lý thoát nước và xử lý nước thải tại quận Hà Đông - Ảnh: VGP/Gia Huy
Sáng 25/8, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức 2 Đoàn giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên và Hà Đông.
Các đoàn Giám sát đã tiến hành khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối), Trạm xử lý nước thải khu đô thị Việt Hưng (phường Việt Hưng, quận Long Biên) và dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Long Biên đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 dự án nhà máy xử lý nước thải
Tại quận Long Biên, theo, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, năm 2021, quận đã tiến hành kiểm tra 110 cơ sở về nước thải công nghiệp, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền 376 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 6 tháng với 5 cơ sở.
Trong 6 tháng năm 2022, UBND quận thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với 18 cơ sở có xả nước thải ra hệ thống sông Cầu Bây, từ đó ban hành quyết định xử phạt 3 đơn vị có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường với tổng số tiền phạt 18,6 triệu đồng.
Công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn quận hiện do 3 công ty thực hiện với tổng 500km cống rãnh, 6.013 ga thăm, thu, 42,223km mương, 18 hồ và 7 trạm bơm. Việc duy tu duy trì cơ bản tốt, đáp ứng yêu cầu thanh thải dòng chảy, vận hành tốt các trạm bơm cục bộ.
UBND quận cũng đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước và đề xuất cải tạo 16 vị trí thường xuyên ngập úng gây bức xúc dân sinh.
Đặc biệt, theo lãnh đạo quận, để có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu Bây và các điểm tiếp nhận từ các nguồn thải sinh hoạt trong khu dân cư, rất cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn quận, gồm: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, phường Phúc Đồng (công suất 31.500m3/ng-đ); Nhà máy xử lý nước thải An Lạc, phường Cự Khối, Phúc Đồng (29.600m3/ng-đ); Nhà máy xử lý nước thải Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy (22.000m3/ng-đ).
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, thoát nước là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, có tác động trực tiếp tới chất lượng sống của người dân
HĐND Thành phố lựa chọn chuyên đề này để giám sát nhằm đánh giá việc thực hiện của quận và đưa ra những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này thời gian tới
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu quận cần quan tâm đặc biệt, gắn môi trường chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội với những cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của quận. Đồng thời gợi ý quận xây dựng đề án tổng thể về lĩnh vực xử lý nước thải, đưa ra những giải pháp căn cơ để khắc phục tồn tại, từ đó mới tạo chuyển biến trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực thoát nước, quận rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ Thành phố đã giao, tập trung triển khai dứt điểm và phải quyết liệt triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải, thoát nước đã có kế hoạch, quy hoạch.
Chủ tịch HĐND thành phố giao Sở Xây dựng, Ban Đô thị HĐND thành phố theo dõi, tổng hợp toàn bộ các kết quả thực hiện của quận, tham mưu thành phố có chỉ đạo kịp thời.
Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu trong hội nghị giám sát chuyên đề tại quận Hà Đông - Ảnh: VGP/Gia Huy
Quận Hà Đông đang thực hiện 30 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước
Tại quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà cho biết, hiện nay, trên địa bàn quận Hà Đông có 7 trục thoát nước chính; có 2 cụm công nghiệp là: Yên Nghĩa và Biên Giang. Các cụm công nghiệp này đều đã được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên chưa có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung nên chưa đưa vào sử dụng.
Quận Hà Đông có 7 làng nghề, nhưng chỉ còn 3 làng nghề thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh (Lụa Vạn Phúc, Rèn Đa Sỹ, Mộc Thượng Mạo); 4 làng nghề còn lại đã bị mai một. Hiện nay, chỉ có làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã được đầu tư xây dựng 1 trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên chưa đưa vào hoạt động.
Hệ thống thoát nước trên địa bàn quận chưa được đầu tư đồng bộ theo tốc độ đô thị hóa; hệ thống thoát nước chưa được đầu tư tách biệt giữa hệ thống thoát nước mưa và nước thải.
Quận Hà Đông đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) với tổng diện tích là 51,6ha, trong đó diện tích phải giải phóng mặt bằng 30,73ha gồm 2 giai đoạn thuộc địa bàn 6 phường, liên quan đến 652 tổ chức, hộ gia đình nằm dọc 2 bên bờ kênh La Khê.
UBND quận cũng đang thực hiện 30 dự án có liên quan đến cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, cải tạo ao làng, giếng đình, bổ sung, xây mới hệ thống rãnh thoát trong các công viên cây xanh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận.
Tại buổi làm việ, Phó Chủ tịch HĐND Phùng Thị Hồng Hà đề nghị quận Hà Đông thời gian tới, nghiên cứu, đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt những khu vực có cụm công nghiệp và làng nghề; chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn, đặc biệt giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị HDND quận và Tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận Hà Đông nên có 1 đợt chuyên đề giám sát, khảo sát chuyên đề hoặc phiên giải trình về nội dung này công nhằm đưa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn quận Hà Đông trong lĩnh vực thoát nước, môi trường có chuyển biến.
Phó Chủ tịch HĐND Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở ngành của thành phố tổng hợp rà soát hệ thống thoát nước thải của quận Hà Đông, vì đây là quận có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị mới phát triển; qua đó đoàn có bức tranh tổng thể về nước thải đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc còn tồn tại, bất cấp trong cong tác quản lý về nhà nước lĩnh vực này trên địa bàn quận.