Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) phải công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa và phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi luật, phải có phân tích, đo lường và dự báo.
Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Chiều 26/8, phát biểu kết luận Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để sửa đổi Luật Đất đai lần này.
Trong quá trình nghiên cứu để ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ quan chủ trì để tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013.
Qua đó cho thấy quá trình thực hiện luật đạt nhiều thành tựu, kết quả lớn nhưng cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế và nhiều điểm nghẽn vướng mắc, thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác.
Liên quan đến quá trình xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ nhận thức được việc thể chế hóa, cụ thể Nghị quyết 18-NQ/TW, khắc phục được các tồn tại, hạn chế về những điểm nghẽn của luật là điều không đơn giản, dễ dàng, nhiều khó khăn, nên khi bắt đầu nhiệm kỳ khóa XV, các lãnh đạo Quốc hội cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc về nội dung này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có sự chuẩn bị dự án Luật Đất đai từ nhiều năm nay. Chính phủ cũng đã nhiều lần họp và cho ý kiến. Mới đây, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra về nội dung này, đã có thông báo ý kiến bước đầu làm cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu hoàn thiện hơn hồ sơ dự án Luật.
Dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2022 tới
Dự kiến, dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2022 tới; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), trình Quốc hội cho ý kiến lần hai vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chỉ đạo Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng kế hoạch lộ trình từ nay cho đến tháng 10/2023. Trong đó có cả kế hoạch chi tiết lấy ý kiến Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, trong nước ngoài nước, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Đây cũng là luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Chỉ rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quá trình xây dựng phải công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa và phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau.
Lấy ý kiến dự án luật: Không câu nệ hình thức, thực sự coi trọng nội dung, chú trọng chất lượng thực chất
Cùng với đó, quá trình chuẩn bị và xây dựng dự án luật đòi hỏi có sự đầu tư nhiều công sức, trí tuệ không chỉ của những cơ quan trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật như các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội mà phải có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải huy động tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
“Không câu nệ hình thức, thực sự coi trọng nội dung, chú trọng chất lượng thực chất”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu trong việc lấy ý kiến với dự án luật.
Điểm lại những nội dung cần lưu ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trước hết phải thể chế hóa và cụ thể hóa một cách đầy đủ và đúng đắn tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Như nhiều đại biểu nêu trong dự thảo Luật cũng có những nội dung chưa là cũng chưa quán triệt hết những vấn đề này hoặc có đề cập nhưng chưa đủ, chưa sâu. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ phải thể hiện đầy đủ và bao quát những nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu.
Cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi luật
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW đề cập nhiều nội dung quan trọng, trong đó khó nhất là vấn đề giá đất và tài chính đất đai với nhiều điểm nghẽn thực tế. Vì vậy sửa luật Luật phải bảo đảm quy định công khai minh bạch, cần có tiêu chí khách quan, thời điểm xác định giá công bố giá đất...; cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi luật, phải có phân tích, đo lường và dự báo.
Điều quan trọng các ý kiến bên cạnh phản biện còn có đề xuất cụ thể. Nêu rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu tiếp tục quan tâm để có kiến nghị giải pháp về sự vận hành, cơ chế thu thập dữ liệu về đất đai, làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai có giải quyết được bài toán gia tăng giá trị đất đai phục vụ cho phát triển, mối quan hệ với các luật liên quan để bảo đảm đồng bộ, các điều khoản chuyển tiếp, nguyên tắc áp dụng pháp luật…Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu xử lý các vấn đề đặt ra.
Đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan phối hợp để tổ chức hội thảo lần này, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, rõ quan điểm, đúng nội dung trọng tâm, tài liệu đồ sộ, sự tham gia đông đảo của các đại biểu, chuyên gia. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao chất lượng tham luận, các ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, tiếp cận đa chiều.
Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan có báo cáo tổng thuật về hội thảo để làm tài liệu phục vụ công tác thẩm tra và cung cấp cho đại biểu Quốc hội. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục tổ chức các hội nghị, tọa đàm chuyên đề thảo luận chuyên sâu về các nội dung của dự thảo Luật.