Để từng bước xây dựng, hoàn thiện đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, công tác lập quy hoạch luôn được tỉnh quan tâm, triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, công tác lập và thực hiện quy hoạch của Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết.
Điểm sáng trong công tác quy hoạch
Luôn đặt công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ đi đầu trong các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đến nay, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh sớm hoàn thiện công tác quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết trên địa bàn cả nước.
Phối cảnh tổng thể Quy hoạch phân khu D2 tỷ lệ 1/2000 Khu vực phát triển công nghiệp và đô thị phụ trợ phía Bắc huyện Tam Dương và huyện Tam Đảo theo Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đặc biệt, sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc thực hiện luật, trong đó đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện không đề xuất điều chỉnh, lập mới, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch trái với hệ thống quy hoạch đã được nêu trong Luật Quy hoạch; dừng thực hiện điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch trái với Luật Quy hoạch. Đồng thời, rà soát, đề xuất bãi bỏ các quy hoạch theo quy định.
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh lập nhiệm vụ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ban hành kế hoạch tổ chức lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc; thành lập Ban chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công tác triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định 37/2019 của Chính phủ. Việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch đã xác định được các nội dung đề xuất quan trọng, hồ sơ thủ tục trình Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo đúng quy định. Tỉnh đã lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, nông thôn, đến nay, tỉnh hoàn thành công tác xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, quy hoạch phân khu thuộc đô thị Vĩnh Phúc; hoàn thành công tác quy hoạch chung các đô thị loại V, giai đoạn đến năm 2020; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các đô thị hiện hữu đạt khoảng 45%.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai công tác quy hoạch xây dựng bảo đảm phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong giai đoạn tiếp theo như quy hoạch xây dựng vùng các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Yên Lạc... Việc lập, thẩm định, điều chỉnh quy hoạch đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bảo đảm tiến độ theo quy định và thực tiễn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Từ năm 2015 đến nay, đã quy hoạch 3 đồ án vùng, 21 đồ án quy hoạch chung, 23 đồ án quy hoạch phân khu, 273 đồ án quy hoạch chi tiết.
Giải pháp nâng cao chất lượng lập và thực hiện quy hoạch
Tuy công tác lập quy hoạch được triển khai và hoàn thiện sớm so với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng quá trình thực hiện, Vĩnh Phúc vướng phải không ít khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.
Điển hình như đôi khi tiến độ lập quy hoạch còn chậm, chưa đề xuất được ý tưởng sáng tạo, chưa có tính độc lập; quy hoạch còn thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt là những rào cản đến từ những cơ chế, chính sách vĩ mô cũng như năng lực điều hành, kiểm tra, giám sát thực hiện của chính quyền địa phương.
Để đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập và thực hiện quy hoạch, thời gian tới, một mặt tỉnh đề xuất với Trung ương và các bộ, ban, ngành liên quan điều chỉnh một số cơ chế, chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, mặt khác tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt theo từng thời điểm.
Cụ thể là đề xuất cho phép các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch có thể lập đồng thời để bảo đảm tính đồng bộ; quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có nội dung chưa phù hợp thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn, bảo đảm thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt mang tính cấp thiết, tạo thuận lợi cho việc điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mà chưa được bố trí vốn. Được phép huy động và sử dụng các nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm tuân thủ quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch của Luật Quy hoạch.
Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch, cập nhật, chia sẻ thông tin bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.