HĐND TP. Hà Nội giám sát tại dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: VGP/GH
Ưu đãi qua các chính sách huy động vốn, đầu tư hạ tầng…
Một trong những vấn đề cử tri Hà Nội quan tâm sau kỳ họp thứ 3 HĐND TP. Hà Nội là vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn. Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới có 2 khu đang hoạt động là Sóc Sơn và Xuân Sơn, do vậy công suất xử lý không đảm bảo.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đã đề nghị UBND Thành phố nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút đầu tư và sớm triển khai xây dựng nhà máy chế biến, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố bằng công nghệ mới, vừa tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất, để thay thế công nghệ xử lý chôn lấp rác thải hiện nay không đảm bảo môi trường.
Giải đáp kiến nghị của cử tri, UBND TP. Hà Nội cho biết, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Trong giai đoạn 2021-2025, UBND Thành phố sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/04/2014 xác định: Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đến năm 2020 khoảng 8.500 tấn/ngày, đến năm 2030 khoảng 11.300 tấn/ngày.
Quyết định số 609/QĐ-TTg cũng quy định công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo 3 vùng phía Bắc, Nam và Tây, xác định: 17 khu xử lý chất thải, trong đó 8 khu hiện có nâng cấp 1, mở rộng và 9 khu đầu tư mới; áp dụng công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.
Trong thời gian vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đôn đốc tiến độ các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng phát điện qua các văn bản chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn, huyện Sơn và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Ban hành kế hoạch về việc triển khai thi hành Luật bảo vệ môi trường 2020; Quyết định về việc Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; tiêu chí lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt.
Đến nay, UBND Thành phố đã khởi công Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) công suất 1.500 tấn/ngày đêm và đang đôn đốc hoàn thành đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu hiện hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) công suất 4.000 tấn/ngày đêm.
Cùng với các cơ sở xử lý hiện có, theo UBND TP. Hà Nội, Thành phố sẽ giảm khối lượng rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp dưới 50% trong năm 2023 và dưới 30% đến năm 2025.
Ngoài ra, UBND Thành phố đang tiếp tục đôn đốc việc hoàn thành các dự án cải tạo hạ tầng, GPMB làm cơ sở tiếp tục thực hiện kêu gọi đầu tư xử lý rác công nghệ hiện đại tại một số vị trí: Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng, huyện Gia Lâm công suất khoảng 1.000 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải rắn Châu Can, huyện Phú Xuyên công suất khoảng 1.000 tấn/ngày đêm, phấn đấu hoàn thành đi vao hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư hiện đang được UBND Thành phố đã áp dụng là: Hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn, theo đó giá bán điện đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.114 đồng/kWh.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn; dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư, được miễn thuế nhập khẩu hàng hóa, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...
Việc ưu đãi đầu tư còn thể hiện qua chính sách đầu tư hạ tầng ngoài tường rào của dự án như: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: đường, hệ thống điện, nước, ký hợp đồng đảm bảo nguồn cung cấp rác cho dự án.
Riêng dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157ha (gồm 2 giai đoạn), đến năm 2030 là 257ha và đến năm 2050 là 280ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn). Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 1999 với quy mô 73,73ha đã đóng bãi tạm thời. Giai đoạn 2 là 83,4ha, hiện đang chôn lấp trung bình 5.000 tấn/ngày. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện với khoảng 77% lượng rác của toàn Thành phố.
Đến nay, Dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn II đã giải phóng mặt bằng 73,73ha; UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 100% diện tích; chủ đầu tư đã tiếp nhận thi công 72,67ha (đạt 98,57% diện tích dự án). Đối với Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng 394,76ha.
Để tháo gỡ cho dự án này, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã đề nghị các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn thực hiện tốt các chỉ đạo của Thành phố trong triển khai các dự án; phối hợp cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách đặc thù, báo cáo kịp thời để UBND thành phố xem xét, giải quyết.
Trong đó, Sở Xây dựng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi công dự án, Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu Thành phố giải quyết dứt điểm những tồn tại về chính sách, đặc biệt là chính sách tái định cư với những trường hợp có nhiều hộ cùng sinh sống trong một thửa đất.
HĐND TP. Hà Nội cũng ưu tiên quyết sách nhiều cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư, dân cư xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, trong đó Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ có chỉ tiêu cụ thể về đưa công nghệ thay thế dần chôn lấp bằng công nghệ đốt để bảo vệ môi trường.
Kiểm soát chất lượng môi trường khu xử lý chất thải Xuân Sơn
Liên quan đến kiến nghị cử tri về thanh tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, vận hành hoạt động của khu xử lý chất thải Xuân Sơn, theo UBND Thành phố, việc giám sát các đơn vị vận hành, đảm bảo vệ sinh môi trường tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn được UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng giao Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện thông qua Tổ giám sát thực hiện 24/24h.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị vận hành tại Khu xử lý phối hợp với cơ quan phân tích môi trường độc lập tiến hành lấy mẫu quan trắc môi trường đất, nước, không khí và thực hiện báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá môi trường đến Ban duy tu để quản lý. Hàng năm báo cáo kết quả hoạt động và công tác bảo vệ môi trường đến Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát theo quy định.
Công tác thanh tra, giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, vận hành hoạt động của khu xử lý chất thải Xuân Sơn cũng được UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện thường xuyên, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện duy trì hoạt động của Trạm quan trắc chất lượng môi trường tự động, liên tục đặt tại vị trí trong khu xử lý, thực hiện quan trắc từ đầu năm 2021; ngoài ra công tác giám sát còn được thực hiện thông qua các đoàn kiểm tra, thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an môi trường và sự tham gia kiểm tra giám sát của Chính quyền địa phương, tổ giám sát cộng đồng trong khu vực.
Hàng tháng, UBND xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì thực hiện chức năng giám sát cộng đồng, tiến hành kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị quản lý vận hành trong Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường, xả thải của các đơn vị tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn thường xuyên được thực hiện, kết hợp giữa các Sở chuyên ngành, các đơn vị chuyên môn và chính quyền huyện, thị xã, cộng đồng dân cư.
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện việc giám sát, đảm bảo VSMT khu vực Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động của khu xử lý.