Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà chủ trì cuộc giám sát của HĐND - Ảnh: VGP/Gia Huy
Sáng 15/6, Đoàn Giám sát HĐND TP. Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn, đã giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố" tại Sở Xây dựng Hà Nội.
Tổ chức thực hiện các chính sách còn nhiều vướng mắc
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong những năm qua, trong quá trình quản lý, quỹ nhà chuyên dùng có nhiều di biến động (tăng, giảm, đổi công năng chuyển sang chế độ quản lý khác…) do thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Sở Xây dựng đã phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Thành phố, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để rà soát.
Liên ngành thống nhất số liệu nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 838 địa điểm với diện tích nhà là trên 178.000 m2, diện tích đất là trên 155.000 m2.
Với số lượng quỹ nhà lớn, có tính đặc thù lịch sử và cơ chế chính sách thay đổi trong quá trình quản lý, Sở Xây dựng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện công tác quản lý nhà nước được giao; phối hợp với các sở, ngành của Thành phố và các công ty được UBND Thành phố giao quản lý, vận hành, khai thác trực tiếp tiến hành rà soát, kiểm tra theo quy định; báo cáo với Thành phố tình hình quản lý quỹ nhà trên địa bàn và các tồn tại, khó khăn, vướng mắc để giải quyết.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nêu nhận định, việc để tồn tại, khó khăn vướng mắc lớn trong quản lý nhà chuyên dùng cho thấy Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan chưa quan tâm triệt để.
Công tác rà soát, hướng dẫn, ban hành các văn bản để thống nhất trên địa bàn chưa được Sở Xây dựng chỉ đạo, tham mưu cho UBND Thành phố kịp thời, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến nay (sau khi các Nghị định về quản lý nhà ở, tài sản công được ban hành, sửa đổi) dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện các chính sách chung trong thực tế còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Sở đã thực hiện kiểm tra nhiều lần, phát hiện số lượng vi phạm lớn song tiến độ giải quyết còn chậm. Việc để tồn tại năm này qua năm khác, không có cơ chế, giải pháp, đề xuất xử lý, tháo gỡ là một phần trách nhiệm của Sở Xây dựng; cũng là trách nhiệm của sở liên quan (như Sở Tài chính) và các công ty được TP giao trực tiếp quản lý, vận hành, khái thác trong việc để các tồn tại này xảy ra và chậm được xử lý.
Hiện nay, diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các nhà chung cư tái định cư là trên 85.000 m2; 12 căn nhà công vụ của Thành phố; 29.200 căn nhà ở có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước; 199 tòa nhà chung cư tái định cư với gần 18.000 căn hộ; 1 dự án nhà ở xã hội với 8 khối nhà 6 tầng. Sở cũng theo dõi 106 dự án nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội…
Đoàn giám sát nhận định, việc còn nhiều căn hộ, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các chung cư tái định cư, các căn hộ tái định cư còn để trống cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước mà trực tiếp là Sở xây dựng và việc khai thác, kinh doanh các công ty được giao quản lý còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước của Thành phố.
Việc để tồn tại các căn hộ trống chưa bố trí dân vào ở, chưa cho thuê diện tích kinh doanh dẫn đến công trình xuống cấp, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội.
Việc quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước chưa được Sở, các sở liên quan và công ty trực tiếp khai thác, sử dụng triển khai thực hiện tốt trong thời gian gần đây dẫn đến nhiều tồn tại có tính lịch sử, không ký hợp đồng thuê nhà, thất thu tiền thuê nhà trong nhiều năm chưa được nhanh chóng xử lý.
Đoàn giám sát cũng nêu công tác tham mưu UBND Thành phố để phát triển nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% và quỹ nhà 30% của các dự án nhà ở thương mại còn chậm dẫn đến sự chậm trễ, lãng phí sử dụng tài nguyên đất để phát triển các dự án; các dự án treo nhiều năm, triển khai chậm hoặc vướng mắc, xin gia hạn nhiều lần có một phần trách nhiệm quản lý của các sở chuyên ngành Thành phố.
Đây là trách nhiệm của các sở liên quan trong việc để vấn đề này tồn tại từ nhiều năm qua chưa xem xét, giải quyết triệt để, gây phức tạp và càng khó khăn trong quá trình vận hành, khai thác của Sở Xây dựng từ khâu ký hợp đồng, quản lý và thu tiền thuê nhà…. chưa được thực hiện chặt chẽ, đầy đủ.
Rà soát quỹ nhà ở cũ, quỹ biệt thự, đề xuất cơ chế xử lý
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng đoàn Giám sát HĐND TP. Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong công tác quản lý sử dụng quỹ nhà; đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra đối với các quỹ nhà được giao cho các công ty thuộc Thành phố quản lý; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các công ty trong tham mưu UBND Thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý vi phạm trong thời gian qua.
Trưởng đoàn Giám sát HĐND cũng đề nghị Sở tập trung rà soát, làm rõ nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là rõ địa chỉ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng vi phạm của các địa điểm, khu nhà quản lý; phân loại từng nhóm đối tượng vướng mắc, vi phạm cụ thể để có biện pháp để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị Sở Xây dựng rà soát các quy trình, thủ tục, tham mưu UBND Thành phố ban hành các quy định tổ chức thực hiện đối với từng loại nhà từ khi đầu tư xây dựng đến khi vận hành khai thác.
Bên cạnh đó, rà soát quy trình đẩy nhanh công tác bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sở hữu nhà... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và danh nghiệp, không để tình trạng phát sinh thủ tục ngoài quy định.
Sở Xây dựng cần tiếp tục chỉ đạo rà soát quỹ nhà ở cũ, quỹ biệt thự đang tạm dừng bán cho người đang sử dụng; khẩn trương đề xuất UBND Thành phố cơ chế xử lý đối với quỹ nhà này nhằm tạo điều kiện sớm ổn định điều kiện sinh sống của người dân; Rà soát, sớm có phương pháp, cách làm, mô hình phù hợp nhất cho công ty quản lý nhà để đảm bảo việc quản lý hiệu quả.
Đồng thời, tổng hợp diện tích, số căn và rà soát các phương án bố trí tái định cư đã duyệt để đẩy nhanh tiến độ đưa dân vào sử dụng các quỹ nhà trống; xây dựng cơ chế bố trí quỹ nhà tái định cư đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh xuống cấp, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 các chung cư tái định cư.