Quốc hội nghe Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành
Sáng 30/5, tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định; các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và UBND, HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát. Đến nay, các cơ quan đã cơ bản gửi đầy đủ báo cáo theo yêu cầu của đoàn giám sát. Các báo cáo nhìn chung được xây dựng công phu, đánh giá sâu sắc, bám sát đề cương của đoàn giám sát, nhưng cũng có trường hợp báo cáo chưa đầy đủ. Quá trình giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu.
Đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành của Đoàn giám sát, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng, kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực thi hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch và lập quy hoạch và công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, cũng như nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị trong công tác quy hoạch phải làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, thực hiện theo đúng nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn; bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch ở khu vực thành thị và nông thôn…
Đại biểu Lý Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch.
Để hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) kiến nghị các cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự giữa phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị.
Về đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị, đề xuất lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, quy hoạch sử dụng đất khi lập dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị các bộ, ngành hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ. Đồng thời có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định.
Để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, tăng tính khả thi của các đồ án quy hoạch đô thị và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất đối với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện, hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Việt Anh (Hà Nội) cho biết, qua khảo sát thực tế tại địa phương, hiện nay, vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố.
Hiện nay về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ nhưng các luật và Nghị định chuyên ngành vẫn chưa kịp, như Nghị định 166/2018/NĐ-CP về quy định thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Do đó, đại biểu đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.
Đại biểu Trần Việt Anh cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành thì mới có đủ điều kiện thực hiện Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó cần được bổ sung, làm rõ về vấn đề thẩm quyền, thẩm định phê duyệt đối với không gian ngầm đô thị.
Từng bước khắc phục bất cập của công tác quy hoạch
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) và một số đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung bố cục của báo cáo, đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát trong thực hiện nhiệm vụ, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tọa hành hang pháp lý quan trọng cho thực hiện công tác lập và triển khai quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập của công tác quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) khẳng định, Quốc hội lựa chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là quyết định rất đúng đắn, kịp thời, đáp ứng mong đợi của cử tri, người dân và doanh nghiệp.
Luật Quy hoạch được xây dựng và ban hành là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị của Trung ương về quy hoạch. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy quy phạm pháp luật để đưa Luật vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để phục vụ hoạt động giám sát, báo cáo của Chính phủ, của các bộ, ngành đã đưa ra những số liệu, minh chứng rất rõ ràng, cùng với những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục những tồn tại trong thực hiện công tác quy hoạch thời gian tới.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát, sửa đổi các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác quy quy hoạch; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thẩm định các quy hoạch; đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cho rằng công tác quy hoạch có liên quan chặt chẽ đến đời sống người dân, đại biểu Hà Phước Thắng (TPHCM) nhấn mạnh, công tác quy hoạch phải bảo đảm hài hòa lợi ích về sự phát triển chung và lợi ích của người dân, nhất là trong thực hiện quy hoạch về đất đai, cần phải có những chính sách thỏa đáng về nhà và đất ở đối với người dân ở vùng quy hoạch, bảo đảm ổn định đời sống người dân ở vùng được lập và triển khai quy hoạch.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng ở một số địa phương việc công bố công khai thông tin quy hoạch, nhất quán quy hoạch về quản lý và sử đụng đất, quy hoạch xây dựng còn rất hạn chế, nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Đây là một hạn chế còn tồn tại. Đại biểu đề nghị cần có những chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả hơn để khắc phục hạn chế này, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp... về công tác quy hoạch.