Sự bứt tốc trong phát triển đô thị để lại nhiều hệ lụy. Thành phố Hà Nội định hướng phát triển đô thị theo hướng thông minh để quản lý, phát triển đô thị tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Những hệ lụy bởi đô thị hóa nhanh đã khiến đô thị quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm, úng ngập luôn thường trực. Ðã có nhiều giải pháp được đưa ra, song đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Vài năm gần đây, đô thị thông minh được bàn thảo rất nhiều, với những mục tiêu hướng đến của đô thị thông minh được xem như đáp án để giải quyết bài toán đô thị hóa.
Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", trong đó có hướng tiếp cận mới, được kỳ vọng sẽ giải quyết hài hòa những thách thức của đô thị hiện nay, khi nhắm đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn... Một trong những chỉ tiêu của Chương trình là từ nay đến năm 2025 triển khai đầu tư xây dựng từ hai đến ba khu đô thị mới theo định hướng thông minh.
Thông tin sơ lược về một số dự án đô thị thông minh đang triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Ðại Mỗ-Vinhomes Park (quận Nam Từ Liêm) đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư và hiện nay dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Ðông Hội, Mai Lâm (huyện Ðông Anh) đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về giao đất. Ðáng chú ý nhất là dự án Thành phố thông minh tại huyện Ðông Anh, do liên danh nhiều nhà đầu tư thực hiện, với mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, cũng đang được các cấp, ngành của thành phố tập trung giải quyết những thủ tục đầu tư xây dựng có liên quan, phấn đấu đến tháng 6/2022 khởi công một phần của dự án.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp phát triển đô thị, để người dân có cuộc sống tốt hơn, chúng ta buộc phải làm ngay từ bây giờ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị thông minh. Những dự án nêu trên là bước đệm của từng khu vực đấu nối vào hệ thống đô thị thông minh toàn thành phố. Cùng với đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần thực hiện sớm đề án đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh.
Ðể hoàn thiện mô hình đô thị thông minh sẽ còn một bước tiến dài, nhưng những gì đang khởi động chưa quá muộn. Ðô thị thông minh của Hà Nội sẽ có những nét riêng khác với Phú Quốc, thành phố Hồ Chí Minh…, nhưng mục tiêu cốt lõi của đô thị thông minh vẫn là hướng đến một nền kinh tế sáng tạo, môi trường sống an toàn, chất lượng sống của người dân được nâng cao bởi các tiện ích dịch vụ từ hệ thống quản trị đô thị.