Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, từ nay đến cuối năm 2022, phân khúc truyền thống như nhà phố, căn hộ giá bán tăng do nhu cầu còn rất lớn.
Với bất động sản công nghiệp, dù thị trường đang rất tốt nhưng chỉ thuận lợi với những chủ đầu tư đã được cấp phép đầu tư dự án. Dự báo nguồn cung, nguồn cầu, lượng giao dịch và giá giao dịch bất động sản đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)
Giá bán nhà ở riêng lẻ từ 23-43,58 triệu đồng/m2; chung cư khoảng từ 20 - 42 triệu đồng/m2; đất nền khoảng từ 8 - 70 triệu đồng/m2; văn phòng cho thuê từ 120.000 - 180.000 đồng/ m2; bất động sản công nghiệp giá thuê đất từ khoảng 650.000 – 2,3 triệu đồng/m2/kỳ thuê 50 năm (tương đương 30-100 USD/m2/kỳ thuê 50 năm).
Về phát triển dự án nhà ở, từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho 8 dự án phát triển nhà ở thương mại (thành phố Thuận An 2 dự án, thành phố Dĩ An 2 dự án, thành phố Thủ Dầu Một 1 dự án, thị xã Bến Cát 1 dự án, thị xã Tân Uyên 1 dự án; huyện Phú Giáo 1 dự án) với quy mô 9.855 căn.
Về nguồn cung bất động sản (nhà ở), có 1 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật để người dân tự xây dựng nhà ở với 691 nền.
Ngoài ra, về nguồn cung căn hộ đã được bổ sung thêm 4 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng chấp thuận với 1.492 căn, tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung với căn hộ chiếm tỷ trọng lớn so với phân khúc đất nền, nhà phố liền kề. Từ quý II, các dự án hạ tầng sẽ là yếu tố giữ độ “nóng” giúp thị trường tăng nhiệt.
Đánh giá biến động lượng giao dịch, về sản phẩm bất động sản (căn hộ chung cư; đất nền) trong dự án được giao dịch trong những đầu năm 2022, đã có 472 sản phẩm bất động sản được giao dịch thông qua số liệu thống kê do chủ đầu tư báo cáo.
Tồn kho bất động sản từ đây đến cuối năm ước tính khoảng 644 căn. Lượng hàng tồn kho chủ yếu nằm ở phân khúc chung cư, nhà ở liền kề…
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, do tình trạng lạm phát, cụ thể là sự mất cân bằng cung cầu, chi phí đầu vào nguyên vật liệu tăng cao đã gây khó khăn cho các chủ đầu tư dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng dự án, đồng thời, gây áp lực tăng giá của bất động sản trong ngắn hạn.
Ngoài ra, trong quý I/2022, những quy định tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành và quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022, tăng mức xử phạt đối với các hành vi trong hoạt động xây dựng bắt đầu triển khai mạnh mẽ.
Điều này khiến các hoạt động kinh doanh bất động sản với kỳ vọng sẽ làm lành mạnh và minh bạch hóa các hoạt động mua bán bất động sản, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích lũy, quy hoạch, định vị lại môi giới ngành nghề… góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chính quy và chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Các hoạt động kinh tế xã hội dần được phục hồi sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, nhằm phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5-7% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội với quy mô khoảng 114.000 tỷ đồng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, tình hình dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát tốt với tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, đã có tác động tích cực đến quá trình phục hồi sau đại dịch.
Những yếu tố tích cực trên, đã tác động đến hoạt động của thị trường bất động sản (nhà ở, công nghiệp) cả nước nói chung, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương nói riêng cũng có những bước tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm 2021.