“An cư, lạc nghiệp” không chỉ là nhu cầu thiết yếu hàng đầu của người dân, mà còn là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội. Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Dự án nhà ở xã hội tại phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) không chỉ đáp ứng nhu cầu người dân mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kiến trúc đô thị.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Xây dựng vào đầu tháng 3 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nhà ở, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề nhà ở đối với sự phát triển của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, Sở Xây dựng tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách quản lý và phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội. Trên cơ sở các chính sách được ban hành, các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện công tác phát triển nhà ở nói chung nhà ở xã hội nói riêng. Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên toàn tỉnh đạt 35m2; tỷ lệ nhà bán kiên cố chiếm 7,4% (toàn quốc là 45,9%), không có nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ (toàn quốc là 4,4%). Cụ thể, về nhà ở xã hội dành cho công nhân, đến nay, toàn tỉnh có 21 dự án đã và đang triển khai với tổng diện tích sử dụng đất là 106 ha, tổng diện tích sàn hơn 2,389 triệu m2 sàn với 29.364 căn hộ. Hiện có 7 dự án hoàn thành và hoàn thành 1 phần với diện tích 444.000 m2 sàn, tương ứng với 5.252 căn hộ. Đối với nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, toàn tỉnh có 26 dự án đã và đang thực hiện với tổng diện tích sử dụng đất 42,87 ha; tổng diện tích sàn hơn 1,527 triệu m2 với 15.638 căn hộ; 21 dự án hoàn thành và hoàn thành 1 phần; tổng diện tích hoàn thành 1,188 triệu m2, tương đương với 12.140 căn hộ.
Với việc triển khai hiệu quả các dự án nhà ở xã hội, hàng chục nghìn người dân, công nhân lao động được tiếp cận, sử dụng quỹ nhà xã hội để “an cư lạc nghiệp”. Các dự án nhà ở xã hội cao tầng còn tạo ra cảnh quan, không gian kiến trúc hiện đại; góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng và đẩy mạnh tốc đô thị hóa tại các địa phương…
Để nâng cao quỹ nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu: “Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nhà ở; đẩy mạnh phát triển các tòa nhà hỗn hợp, tòa nhà chung cư, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại, cao tầng; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân với đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, trường học, cơ sở y tế, các khu thương mại, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho các đối người thu nhập thấp, công nhân các KCN”. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu phát triển thêm 2,165 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương với khoảng 30.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 110.000 người. Hướng đến mục tiêu trên, Sở Xây dựng đề ra nhiều nhóm giải pháp như: Quy hoạch gắn với kế hoạch sử dụng đất; phát triển hạ tầng và công trình công cộng cấp vùng; nguồn vốn; công nghệ xây dựng… Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở. Tham mưu, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nhà ở và tình hình thực tế. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển nhà ở; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho từng nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở…
Tuy đạt nhiều kết quả nhưng lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như: Tại các đô thị loại I, II, III chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành 1 phần diện tích đất ở trong dự án (từ 2ha trở lên) đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, đối với các dự án có quy mô 2 ha là tương đối nhỏ (chỉ tương ứng với 6.000 - 8.000 m2 đất ở dự án) nên quy định này dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, không tạo được bộ mặt khang trang, thống nhất, hiện đại tại khu vực đô thị. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân nhằm mục tiêu tăng cường kỷ luật, tập trung quản lý, phòng tránh tệ nạn xã hội và dịch bệnh là rất lớn nhưng không thể thực hiện được. Nguyên nhân là do trong quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển nhà ở xã hội này. Sở Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành T.Ư sớm hoàn thiện chính sách để phù hợp với tình hình thực tế cũng như tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển lĩnh vực nhà ở các địa phương, nhất là các tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp lớn, thu hút nhiều lao động.