Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS), tỉnh đã chỉ đạo siết chặt công tác quản lý đất đai và hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS; công bằng trong thực hiện nghĩa vụ và nâng cao ý thức chấp hành khai thuế, tạo môi trường lành mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Cán bộ UBND phường Trưng Vương (TP Uông Bí) nắm tình hình triển khai Dự án Khu dân cư và dịch vụ thương mại trên địa bàn.
Thời gian gần đây, qua nắm bắt, cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện có tình trạng một số tổ chức, cá nhân bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, như: Quảng cáo sai sự thật về dự án BĐS; tổ chức mở bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, huy động vốn “lách luật” thông qua các hình thức “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng giữ chỗ”, “hợp đồng hứa mua, hứa bán”... Bên cạnh đó, còn một số chủ đầu tư tổ chức khởi công xây dựng công trình khi chưa đầy đủ hồ sơ theo quy định; một bộ phận “cò đất” thuộc các sàn, văn phòng giao dịch BĐS có các chiêu trò mua đi bán lại “thổi giá”, gây sốt ảo nhằm mục đích đẩy giá BĐS lên cao; thu gom các loại đất chưa phải là đất ở để chuyển đổi mục đích sang làm đất ở…
Riêng năm 2021, qua rà soát Công an tỉnh đã phát hiện một số sàn giao dịch và hơn 80 doanh nghiệp, cá nhân tại TP Hạ Long có hành vi kinh doanh dịch vụ BĐS không chấp hành quy định của pháp luật về việc đăng ký hoạt động; quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong các dự án chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư, ANTT, dẫn đến khiếu kiện đất đai kéo dài, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư; ảnh hưởng đến thị trường BĐS, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư thứ cấp cũng như người dân. Kéo theo đó là sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, gây khó khăn cho người dân, nhất là công nhân, người lao động có thu nhập thấp trong việc tạo lập nhà ở… Thực tế, trên địa bàn tỉnh gần đây xảy ra những vụ việc liên quan đến lừa đảo trong hoạt động mua bán BĐS…
Nhằm tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng, công bằng trong kinh doanh, ổn định và phát triển KT-XH, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo siết chặt công tác chấn chỉnh, quản lý nhà nước về thị trường BĐS, hoạt động đấu giá đất, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Đặc biệt, ngày 8/3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý hoạt động kinh doanh BĐS đảm bảo đúng quy định của pháp luật thuế.
Dự án Hà Khánh B mở rộng tại TP Hạ Long đang hoàn thiện hạ tầng.
Triển khai kế hoạch này, Cục Thuế tỉnh đã tập trung phổ biến chính sách pháp luật thuế liên quan đến hoạt động chuyển nhượng BĐS đến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan quản lý nhà nước... Nội dung tuyên truyền tập trung các quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế (NNT); chế tài xử phạt về thuế, hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế; vận động NNT khi tham gia giao dịch BĐS thực hiện đúng quy định về kinh doanh và chuyển nhượng BĐS, khai thuế, nộp thuế theo đúng giá thực tế và thời hạn giao dịch... Qua đó, nhằm tạo môi trường lành mạnh, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh BĐS, góp phần đảm bảo ANCT- TTATXH.
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS, tổ chức đấu giá đất, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS, công tác quản lý toàn diện về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, nhà ở… đối với các dự án BĐS triển khai trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên, tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các dự án BĐS và xử lý nghiêm cá nhân, chủ đầu tư dự án để xảy ra tình trạng quảng cáo sai sự thật, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, liên kết với các đối tượng “cò đất” thuộc các sàn, văn phòng giao dịch BĐS, làm các chiêu trò “mua đi bán lại”, “thổi giá”, gây sốt ảo… Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức có dấu hiệu “tiếp tay”, vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với việc bồi thường, GPMB, đấu giá đất, quản lý thị trường, thuế BĐS…
Hiện nay qua mạng xã hội có nhiều trang thông tin quảng bá về BĐS.
Hiện nay, Công an các địa phương cũng chủ động nắm bắt tình hình, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ việc vi phạm về kinh doanh BĐS, đấu giá đất, trốn thuế kinh doanh lĩnh vực này để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các địa phương trong thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu của những dự án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để làm cơ sở điều tra, xử lý theo quy định.
Khi du lịch, dịch vụ đã hoạt động trở lại sôi động; nhiều quy hoạch cũng hình thành…, nhu cầu mua bán và giá BĐS có thể tiếp tục tăng. Vì vậy, mỗi người dân khi mua bán BĐS và nhà đầu tư kinh doanh BĐS cần tỉnh táo, xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng các quy định của pháp luật và những thông tin liên quan đến dự án trước khi giao dịch. Cùng với đó, sớm thông báo cho cơ quan chức năng những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động huy động vốn, kinh doanh nhà ở, BĐS trên địa bàn.