Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, dự kiến, từ nay đến năm 2025, tỉnh này sẽ hoàn thành 2500 căn nhà ở xã hội có diện tích sàn khoảng 200 nghìn m2 và vốn đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.
Một khu nhà ở xã hội trên địa bàn TP Biên Hòa- Đồng Nai. (Ảnh: K.V)
Theo đó, để các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai đúng theo kế hoạch thì các địa phương phải triển khai đồng loạt các giải pháp như trong quy hoạch đô thị phải xác định cụ thể diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở xã hội. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ chủ đầu tư nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.
Nếu các chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt thì thực hiện thu hồi dự án và giao cho những nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư tránh lãng phí quỹ đất. Chọn các quỹ đất công phù hợp quy hoạch nhà ở xã hội để đấu thầu hoặc đấu giá đất triển khai dự án. Nguồn vốn đầu tư dự án là từ Quỹ Phát triển nhà ở của tỉnh Đồng Nai, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, cá nhân…
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho hay, đối với những khu vực đông công nhân, các địa phương không chỉ trông đợi vào quỹ đất công hoặc quỹ đất 20% từ những dự án nhà ở thương mại để quy hoạch nhà ở xã hội mà thực hiện quy hoạch riêng những dự án nhà ở xã hội để có thể triển khai nhanh trong thời gian tới.
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, đến nay tỉnh này đã hoàn thành gần 3.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 1.581 căn dành cho công nhân. Hiện tỉnh đang triển khai 13 dự án nhà ở xã hội có diện tích hơn 59 ha, khi hoàn thành sẽ có gần 8.200 nghìn căn. Trong khi đó, Đồng Nai hiện có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, riêng các khu công nghiệp có hơn 614.000 người lao động. Thế nhưng, nhà ở xã hội cho thuê không đáp ứng đủ nhu cầu, nên đa số công nhân phải thuê nhà trọ để ở.
Được biết, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng cho 450.000 người lao động thuê. Các nhà trọ có giá thuê thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân nên thu hút được nhiều người thuê dù không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ, môi trường, an ninh...
Cũng theo ông Cao Tiến Dũng, Đồng Nai đang thiếu hơn 200.000 căn nhà ở xã hội. Phần lớn người lao động tại Đồng Nai hiện đang sống trong các khu nhà trọ, mỗi phòng từ 12-14m2 có 4-6 người. Khi xảy ra dịch COVID-19, người lao động không đi làm việc được, nhiều tháng liền phải ở suốt trong nhà trọ chật chội, nguy cơ lây lan dịch rất cao.
Do đó, trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng việc này là trách nhiệm của chính quyền địa phương, phải có tính toán lại. Trong đó, quy định rõ các địa phương có khu công nghiệp phải đầu tư 2-3 khu nhà ở xã hội. Hiện Sở Xây dựng Đồng Nai đang hoàn thiện quy định sớm trình Ban thường vụ, Ban chấp hành ra nghị quyết để cả hệ thống chính trị cùng bắt tay vào giải quyết./.