Đây là công trình mang kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa, là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi - trục đường đẹp nhất TP Huế.
Bên ngoài ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi, TP Huế
Sáng 13-3, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, sau khi nghe báo cáo các phương án quản lý, khai thác các cơ sở nhà đất trên địa bàn TP Huế, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận liên quan đến trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế số 26 Lê Lợi, TP Huế.
Theo đó, giao UBND TP Huế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu phương án di dời cơ sở nhà đất trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế qua khu vực số 1 Phạm Hồng Thái, TP Huế (hiện là Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ nằm sát bờ Nam sông Hương, đoạn giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân).
Theo tìm hiểu, phương án giữ và di dời cơ sở nhà đất trụ sở cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế theo thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nhận được sự hoan nghênh của nhiều giới tại TP Huế.
Trước khi di dời về số 1 Phan Bội Châu, TP Huế, trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế cũ vốn tọa lạc tại ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi, TP Huế. Đây là công trình mang kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa, là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất TP Huế.
Ngôi biệt thự này từng sửa chữa vào năm 2000, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu. Tuy nhiên, vào cuối năm 2017 tại Công văn số 7921/UBND-XTĐT của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP hạ tầng và dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26 - 28 Lê Lợi, TP Huế theo đề xuất của Sở KH-ĐT.
Đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị kiến trúc. Tuy nhiên, trong số 27 công trình công bố, không có biệt thực số 26 Lê Lợi nên thời điểm đó đã gây xôn xao dư luận tại Huế với nhiều dấu hỏi được đặt ra đằng sau quyết định này.
Vị trí dự kiến tiếp nhận ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi, TP Huế sau khi di dời
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, thời gian qua, có rất nhiều phương án được đặt ra để xử lý ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi. Đặc biệt, chủ trương của lãnh đạo tỉnh thì bờ Nam sông Hương, phía giáp bờ sẽ quy hoạch thành không gian văn hóa nghệ thuật, bảo tàng; bên trong đường Lê Lợi (nơi có biệt thực số 26 Lê Lợi) sẽ là khu kêu gọi đầu tư với các khu dịch vụ du lịch cao cấp.
Theo đó, khu đất từ trục đường Hoàng Hoa Thám đến hết khu đất của Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế (có mặt tiền là đường Lê Lợi) hiện nay sẽ định hướng đầu tư khoảng 2 module công trình dịch vụ du lịch cao cấp nhưng hiện chưa có quyết định đầu tư.
“Hiện UBND tỉnh mới chỉ giao UBND TP Huế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu phương án di dời cơ sở nhà đất qua khu vực số 1 Phạm Hồng Thái, TP Huế, chứ chưa yêu cầu phải di dời ngôi biệt thự ngay tức thì”, vị cán bộ này cho biết.
Trong khi theo ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế thì sau khi tiếp nhận thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND TP Huế sẽ phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu xem việc di dời ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi sang vị trí đối diện có phù hợp về mặt không gian hay không. Về mặt kỹ thuật di dời như thế nào, có thuê "thần đèn" hay không thì sẽ tính toán sau. “Trước hết phải khẳng định chuyển qua đó có phù hợp không. Thuê "thần đèn" mới chỉ là ý tưởng, còn về mặt kỹ thuật để đánh giá dời như thế nào thì phải có các cơ quan chuyên môn đánh giá", ông Võ Lê Nhật cho biết.