Cuối năm 2021, UBND TP. Huế vinh dự đạt Giải Vàng trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ II với đồ án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương”. Đây vừa là vinh dự, đồng thời là động lực để thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan nhằm tạo điểm nhấn cho không gian hai bờ sông.
Không gian hai bờ sông Hương ngày càng khang trang, hiện đại nhờ các dự án chỉnh trang
Hoàn thiện không gian hai bờ sông
Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương thuộc dự án (DA) hỗ trợ kỹ thuật “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và DA thí điểm” do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện từ năm 2015- 2020. Nội dung đồ án do đơn vị tư vấn Hàn Quốc (Liên danh DOWHA-HANA) chủ trì thực hiện và Ban Quản lý DA Koica hỗ trợ thực hiện.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, quá trình thực hiện đồ án, Liên danh DOWHA-HANA đã nghiên cứu kỹ về hiện trạng; giá trị văn hóa, cảnh quan của hai bờ sông Hương trong tổng thể đô thị Huế và đề xuất phương án quy hoạch theo hướng hình thành trục cảnh quan tự nhiên, đa dạng với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, khu công viên trung tâm và các vùng cảnh quan đặc trưng ven sông; nghiên cứu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo 3 vùng. Đó là vùng thượng lưu (từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên): bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; vùng trung tâm đô thị (từ cồn Dã Viên đến cồn Hến): xây dựng thành trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; vùng hạ lưu (từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh): bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.
Với ý tưởng và định hướng đó, Ban Quan lý DA Koica phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia, nhà quản lý của Trung ương và địa phương. Quá trình thực hiện đã tổ chức nhiều hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo tỉnh và các sở ngành; tổ chức rộng rãi việc trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Chủ tịch UBND TP. Huế - Võ Lê Nhật cho rằng, sau 6 năm nghiên cứu thực hiện, đồ án đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ đó một số DA, khu vực được triển khai đầu tư xây dựng như cầu đi bộ kết nối mạng lưới đường đi bộ phía bờ nam sông Hương; khu công viên quảng trường trước UBND tỉnh; tuyến đường đi bộ phía bắc bờ sông Hương từ cầu Trường Tiền đến chùa Thiên Mụ… Trong đó, các DA, khu vực nêu trên sau khi triển khai đầu tư, xây dựng đưa vào khai thác đã được Nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần tạo hiệu ứng tích cực và làm thay đổi diện mạo đô thị Huế ngày càng hiện đại, khang trang.
Giải Vàng trong hệ thống giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ II là vinh dự cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Huế vì đã có được đồ án quy hoạch chất lượng cao. Đồng thời, cũng là phần thưởng xứng đáng cho Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và Liên danh DOWHA-HANA, đánh giá thành quả của sự hỗ trợ, hợp tác và thực hiện các DA quy hoạch, đầu tư xây dựng tại thành phố trong các năm qua và là nguồn động lực để tiếp tục thực hiện DA “Thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh”, đưa Huế ngày càng phát triển toàn diện.
Các tuyến đường dẫn lên đồi Vọng Cảnh đã và đang được đầu tư, nâng cấp phục vụ du khách và người dân
Chỉnh trang đồi Vọng Cảnh
Cùng với không gian hai bờ sông Hương, đồi Vọng Cảnh là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực phía tây nam của Huế, nằm trong quần thể không gian cảnh quan của một số di tích như lăng Tự Đức, Đồng Khánh, điện Hòn Chén... thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649 định hướng khu vực đồi Vọng Cảnh là xây dựng để ngắm cảnh lịch sử của khu vực lăng tẩm và cảnh quan tự nhiên vùng thượng lưu sông Hương; UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận hướng tới hình thành công viên phục vụ các hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp điểm dừng lý tưởng cho các chuyến du lịch đường bộ cũng như đường thủy dọc sông Hương. Tại đây, có thể tổ chức các hoạt động cắm trại, sáng tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa…
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế, theo quy hoạch hai bờ sông Hương, thành phố cải tạo chỉnh trang đồi Vọng Cảnh thành khu vực cảnh quan tự nhiên để người dân, du khách đến thư giãn, ngắm cảnh khu vực thượng nguồn sông Hương và núi non phía tây nam thành phố; trong đó cải tạo hệ thống đường đi dạo, chỉnh trang một số vườn hoa, hình thành một số chòi nghỉ bằng gỗ, hệ thống điện chiếu sáng… Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, thành phố giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện DA đầu tư chỉnh trang giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 12,7 tỷ đồng với các hạng mục đường dạo, chòi nghỉ nhằm cụ thể hóa định hướng về cảnh quan kiến trúc theo các quy hoạch đã được phê duyệt; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên của khu vực cũng như tạo điểm vui chơi, giải trí phục vụ người dân và du khách.
Năm 2022, TP. Huế tập trung nguồn lực triển khai các DA trọng điểm, gồm nâng cấp mở rộng đường Hà Nội; các DA chỉnh trang 2 bờ sông Hương, tuyến đường dọc sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; các DA chỉnh trang đô thị, đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực TP. Huế mở rộng; chỉnh trang công viên cồn Dã Viên (phía tây)...