Chiều 11/2, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội, do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra tiến độ thi công Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) và thăm, chúc Tết, động viên cán bộ, người lao động đang làm việc tại dự án. Tham gia đoàn công tác có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn công tác thị sát công trình
Sau khi thị sát tiến độ triển khai dự án, làm việc với Ban Quản lý dự án, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa dân sinh lớn, thuộc danh mục đầu tư trong Chương trình số 03-Ctr/TU của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025". Công trình hoàn thành sẽ cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, Tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Đại diện chủ đầu tư báo cáo với đoàn công tác tiến độ dự án
“Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên tổ chức họp giao ban giải quyết các vướng mắc, chỉ đạo sát sao, đôn đốc chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện dự án; tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay, tiến độ dự án vẫn chậm” - Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.
Để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành để thực hiện xử lý 27% trong tổng số 55% lượng nước thải toàn thành phố theo dự kiến, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị cần nhanh chóng triển khai theo tiến độ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022; Phải rà soát lại kế hoạch, ráo riết thực hiện các gói thầu kế hoạch tổng thể; tiếp tục thi công toàn bộ các hạng mục của gói thầu, nhập khẩu và lắp đặt thiết bị nhà máy; chủ động triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của thành phố với kết quả cuối cùng là hoàn thành chất lượng công trình.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm
Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố cộng đồng trách nhiệm, đôn đốc, hướng dẫn Ban quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục để Dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn chúc Tết tập thể cán bộ, người lao động đang thực hiện Dự án một năm mới sức khỏe, đoàn kết, hăng say lao động sản xuất, để Dự án xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành tiến độ như đã cam kết, không lỗi hẹn với cử tri, với nhân dân Thủ đô.
Đoàn công tác thị sát công trình
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư hơn 16 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA là 84,14%. Dự án triển khai trên diện tích khoảng 13,8ha tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) và các tuyến cống thu gom, hệ thống đấu nối dọc các đường giao thông hiện trạng và đường giao thông thuộc các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Sau khi dự án được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7051/QĐ-UBND ngày 20/11/2013, đến nay, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo thực hiện và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khu vực nhà máy với diện tích 138.185m2 của UBND huyện Thanh Trì; thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và lựa chọn nhà thầu thi công cho 4 gói thầu xây lắp.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, dù có nhiều cố gắng, nhưng đến nay, việc triển khai Dự án đang chậm so với tiến độ do trong quá trình triển khai, hệ thống cống bao, cống thu gom sử dụng phương pháp khoan kích ống ngầm (Pipe Jacking) cũng mất nhiều thời gian thiết kế, thẩm định, phê duyệt. Bên cạnh đó, Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản nên việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án phải hài hòa giữa Luật pháp Việt Nam và quy định của Nhà Tài trợ - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mất nhiều thời gian. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến việc đi kiểm tra các thiết bị nhà máy thuộc gói thầu số 1 không thể thực hiện được; các nhà sản xuất, cung cấp cũng bị ảnh hưởng trong sản xuất, chế tạo dẫn đến chậm giao hàng, không thể vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam…
Cùng với đó, công tác thi công của gói thầu gồm nhiều tuyến trải dài, liên quan đến địa bàn nhiều quận, phường trên địa bàn thành phố; khu vực thi công tiềm ẩn nhiều các công trình ngầm, nổi nên gặp nhiều khó khăn... Ngoài ra, thủ tục xin cấp phép thi công, phân luồng giao thông, thống nhất biện pháp dẫn dòng thi công, dịch chuyển di dời cây xanh, di chuyển các công trình ngầm, nổi... cần phải làm việc với nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị; một số hạng mục thi công sát nhà dân không nhận được sự đồng thuận của nhân dân gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Đoàn công tác tặng quà, chúc tết tập thể cán bộ, người lao động đang thực hiện Dự án
Trước những khó khăn trên, Ban Quản lý dự án kiến nghị thành phố, thời gian tới, quan tâm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn. Trong đó, chỉ đạo sở quản lý chuyên ngành cho ý kiến hướng dẫn về vị trí các bãi đổ bùn thải trên địa bàn thành phố mà Dự án có thể sử dụng đổ bùn thải thi công và hướng dẫn bổ sung các hạng mục xử lý bùn thải của nhà máy, bổ cập nước sông Tô Lịch và tái sử dụng nước sau xử lý vào Dự án để đồng bộ với hệ thống thu gom, xử lý nước thải và nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.