Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo Kế hoạch phát triển nguồn và mạng cấp nước trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98%-100%, với 105-110 lít/người/ngày, Hà Nội sẽ phân ra chỉ tiêu các năm để triển khai thực hiện.
Theo kế hoạch về việc hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 125-160 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh được sử dụng nước sạch đạt 100% với 100-125 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98%-100%, với 105-110 lít/người/ngày. Hà Nội cũng phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống dưới 15%.
Theo kế hoạch, thành phố xác định các danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô; đồng thời huy động và tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.
Thành phố cũng đặt mục tiêu nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước tập trung đạt 1,8-2 triệu m3/ngày - đêm; trong đó xác định cụ thể các dự án hoàn thành trong năm 2021 và trong giai đoạn 2022-2025.
Các dự án như Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày - đêm; xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai công suất 200.000m3/ngày - đêm (lấy nguồn cấp từ nước mặt sông Đà đặt tại tỉnh Hòa Bình); nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đuống lên 450.000m3/ngày - đêm... Đồng thời, Hà Nội cũng đầu tư hệ thống mạng vòng kết nối các nguồn cấp, xây dựng hệ thống mạng phân phối, dịch vụ.
Thành phố cũng triển khai thực hiện lộ trình giảm dần khai thác nước ngầm, tăng cường sử dụng nguồn nước mặt, với yêu cầu giảm công suất các nguồn nước ngầm từ 750.000m3/ngày - đêm xuống 615.000m3/ngày - đêm.
Song song đó, Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý hệ thống nước sạch; điều chỉnh, bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để hoàn thành chỉ tiêu phủ kín mạng cấp nước cho toàn bộ khu vực đô thị và nông thôn, từ năm 2016 đến nay, UBND Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án cấp nước nông thôn theo hình thức xã hội hóa, đến nay Thành phố đã mở rộng mạng cấp nước cho 254/413 xã, với khoảng 3.544.239 người, 939.268 hộ được tiếp cận hệ thống nước sạch, nâng tỷ lệ người dân nông thôn chung trên toàn Thành phố lên trên 80%, trong đó một số huyện, thị xã Sơn Tây đã phủ mạng gần 100% như huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Sơn Tây. Tuy nhiên một số huyện cuối nguồn của hệ thống mạng cấp nước tập trung có tỷ lệ người dân được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung thấp.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra theo Kế hoạch phát triển nguồn và mạng cấp nước trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ phân ra chỉ tiêu các năm để triển khai thực hiện.
Với các xã đã giao nhà đầu tư sẽ chỉ đạo các đơn vị cấp nước tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đã giao bao gồm (11 dự án nguồn, 29 dự án phát triển mạng). Sở Kế hoạch và đầu tư lầ đầu mối hướng dẫn thực hiện điều chỉnh, thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai để kêu gọi nhà đầu tư khác.
Đối với 29 xã chưa có nhà đầu tư sẽ giao các đơn vị đang triển khai dịch vụ cấp nước trong khu vực mở rộng phát triển mạng cấp nước. Với những khu vực không có nhà đầu tư, giao UBND huyện triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó có đề xuất quản lý vận hành sau đầu tư.
Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân một số xã đấu nối sử dụng nước sạch, tuyên truyền người dân đấu nối sử dụng nước sạch vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời rà soát đóng các giếng nước ngầm tự khai thác không đảm bảo yêu cầu. Thực hiện hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.