Chiều 28-12, dưới sự chủ toạ của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Hội thảo do UBND thành phố tổ chức đã nghe các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cho ý kiến về thực trạng và định hướng phát triển KT-XH thành phố, phân bổ không gian phát triển các lĩnh vực KT-XH. Đây là hợp phần thuộc dự án quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dự án tổng thể với sự tích hợp các ngành lĩnh vực kinh tế thể hiện được “bức tranh chân dung” về hiện trạng thành phố để từ đó đưa ra những định hướng tầm nhìn có tính chiến lược về sự phát triển thành phố trong tương lai 10- 20 năm sau. Dự án do liên danh tư vấn quy hoạch thành phố thực hiện, dựa trên những nghiên cứu về định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và những cơ chế, chính sách có tính chất nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai.
Dự án quy hoạch này đã được đơn vị tư vấn thực hiện công phu, nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo thành phố và sở ngành, địa phương nhưng đây là lần đầu tiên lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, học giả .
Với mong muốn đóng góp nhiều ý tưởng cho sự phát triển của thành phố, các chuyên gia đã thẳng thắn nêu lên nhận xét về những vấn đề được nêu trong nội dung dự án đồng thời đề xuất, bổ sung những nội dung còn thiếu, chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp.
PGS.TS Phạm Trung Lương đề nghị những sản phẩm du dịch phải thể hiện sự khác biệt và đẳng cấp
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch), ngành du lịch thành phố được xác định vừa là ngành kinh tế trụ cột vừa là ngành mũi nhọn; những sản phẩm du lịch của Đà Nẵng phải tạo nên sự khác biệt và đẳng cấp, nên hạn chế sự sự trùng lắp với những nơi khác, phải thể hiện Đà Nẵng là điểm đến đáng sống chứ không đơn thuần chỉ là điểm đến tham quan du lịch thông thường.
TS Nguyễn Xuân Thành (đại học Fullbright Việt Nam) cho rằng Đà Nẵng còn nhiều lĩnh vực tiềm năng nhưng chưa được kích hoạt. Về quy mô đầu tư cũng cần phải nghiên cứu mức đầu tư phù hợp, có nên đầu tư lớn không? Và điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất Xác định quy hoạch lần này là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội nên các chuyên gia đề nghị cần có sự kết hợp, lồng ghép trong mối liên kết chặt chẽ hơn. Cũng như về liên kết vùng, định vị vai trò vị trí của Đà Nẵng trong khu vực, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần được thể hiện rõ ràng, mạch lạc hơn. Sự phân bổ nguồn lực cần gắn kết với vấn đề cơ cấu dân số, cơ cấu lãnh thổ.
TS. Phạm Xuân Thành nêu lên những vấn đề về nguồn lực và quy mô đầu tư của thành phố
Ths. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch LH các hội văn học nghệ thuật thành phố đưa ra những đề nghị về định hướng phát triển các loại hình văn hoá xã hội trong mối tương quan về phát triển kinh tế và coi đây là một phần quan trọng làm nên bản sắc riêng của Đà Nẵng.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét, dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện được một góc nhìn hiện đại về những định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng, mang khát vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai của một thành phố đáng sống. Tuy vậy về nội dung, dự án quy hoạch cần bổ sung thêm những vấn đề về thực lực của thành phố, những điểm yếu, chỉ rõ thêm những điều kiện dư địa tăng trưởng cũng như phân tích thêm về tính hệ thống trong cơ cấu ngành và lĩnh vực. Những yếu tố quan trọng về thể chế, nguyên tắc theo tinh thần Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, quy hoạch về không gian phát triển cần phải đưa vào dự án quy hoạch với sự liên kết, bao quát mang những giá trị tổng thể hơn.
TS Lê Văn Duy, Vụ Quy hoạch Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm việc báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022 làm cơ sở cho việc triển khai sau này.