Phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp để công nhân gắn bó lâu dài

Thứ năm, 04/11/2021 14:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Cùng với sự hình thành của ngày càng nhiều các khu công nghiệp (KCN) cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động thì hạ tầng xã hội KCN vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu để người lao động "an cư lạc nghiệp".

Toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp” - Ảnh: VGP

Đây là ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Toạ đàm trực tuyến “Hạ tầng xã hội KCN: Thực trạng và giải pháp” do VCCI phối hợp tổ chức chiều ngày 3/11 tại Hà Nội.

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp (DN), từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy vậy, các KCN chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các DN thuê để tổ chức sản xuất như những sản phẩm mang tính “may sẵn”. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành của ngày càng nhiều các KCN cũng như sự gia tăng nhanh chóng của lao động tại đây, hạ tầng xã hội KCN vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các DN.

“Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 càng cho thấy rõ, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động là một trong những nhân tố quyết định chất lượng của nguồn lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, phải có sự quan tâm, bồi dưỡng nhân lực và đời sống tinh thần, phúc lợi, bảo đảm an toàn việc làm bền vững cho người lao động thì người lao động mới cống hiến bền vững cho DN. Ngược lại, người lao động phải làm việc với năng suất lao động hiệu quả, làm việc với thái độ tích cực thì mới góp phần sản xuất kinh doanh có lãi, từ đó, DN mới có có điều kiện quan tâm tới việc làm và đời sống người lao động. Đây là mối quan hệ có tính gắn bó mật thiết giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh hạ tầng xã hội khu công nghiệp vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Ảnh:VGP.

Có một thực tế đang tồn tại trong các KCN, đó chính là sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động, như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân…, dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa thu hút được lao động vào làm việc.

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong KCN. “Tuy nhiên, để chủ đầu tư có động lực xây dựng nhà ở cho công nhân nói riêng và hạ tầng xã hội nói chung, rất cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể từ các cơ quan chức năng”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy, hoàn thiện khung pháp lý

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, một trong những vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân KCN. Cụ thể, chúng ta cần có chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Thọ đề nghị sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý quản lý KCN, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong KCN, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch KCN, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

"Xây dựng quy hoạch KCN phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện", ông Nguyễn Đình Thọ nói.

Dưới góc độ DN, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho rằng, cần thay đổi tư duy xây dựng khu nhà ở cho công nhân.

Mặc dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đồng thời việc đầu tư của DN gặp nhiều khó khăn.

Theo tính toán từ Bộ xây dựng, đến năm 2020, Nhà nước phải bố trí được 9000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội nhưng hiện, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 mới có 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong khi đó, 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội và cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội. Vì vậy, có nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai thực hiện do thiếu hụt nguồn vốn.

“Hiện nay, trong tư duy phát triển các KCN, khu kinh tế (KKT), khu chế xuất (KCX) chúng ta mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật, chưa quan tâm đến hạ tầng xã hội. Các chính sách cần sửa đổi theo hướng coi nhà ở công nhân là một hạ tầng kỹ thuật của KCN, KKT, KCN. Khi đó sẽ rút ngắn được thủ tục, có sẵn quỹ đất cũng như chỉ định công ty phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT, KCN là chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân”, ông Phạm Hồng Điệp kiến nghị.

Ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)