Phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 29-9, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng vào chương trình phục hồi sau dịch Covid-19. Bộ Xây dựng đề xuất 2 gói tín dụng lên đến 65.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư xem nhà mẫu tại những dự án mới. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dành cho phát triển dự án, mua nhà
Cụ thể, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các Ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội (NOXH) theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Gói tín dụng thứ hai theo cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Theo đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước dành khoảng 50.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn phù hợp, để các ngân hàng thương mại cho các đối tượng sau vay ưu đãi: Chủ đầu tư đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê; Chủ đầu tư dự án NOXH để bán, cho thuê, cho thuê mua; Công nhân khu công nghiệp vay để mua, thuê mua NOXH; Các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đây được xem là liều thuốc kích thích cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, sau khi trải qua khốn đốn sau đại dịch covid vừa qua. Đặc biệt, nguồn vốn trên sẽ giải quyết được vấn đề cấp bách cho an sinh xã hội, an cư cho những thành phần yếu thế trong xã hội, chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch covid, hướng đến phát triển bền vững.
Nhu cầu thực lên ngôi
Dưới góc độ của nhà phát triển bất động sản, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Thắng Lợi cung cấp thông tin đáng chú ý, qua nghiên cứu trên 1500 khách hàng giao dịch gần đây tại các dự án nhà ở tại Long An cho thấy, trong nhóm khách hàng mua để ở có đến 51% người có kế hoạch ở ngay, 49% người thử nghiệm vài ngày trong tuần sau những ngày làm việc tại TPHCM. Các nhà đầu tư và cư dân quan tâm hơn tỷ lệ các dự án sáng đèn, tức là tỉ lệ lấp đầy. Mặt khác, hiện nay không gian sống đang lên ngôi, chủ đầu tư nào tạo ra không gian sống xanh sẽ thu hút khách hàng.
Nhận xét về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, hiện nay phát triển bất động sản ở các tỉnh không chỉ dựa vào TPHCM mà các địa phương đều có các trung tâm để thu hút dân người dân an cư. Các tỉnh xung quanh TPHCM có kết nối hạ tầng tốt vào trung tâm tỉnh và TPHCM nên kéo gần khoảng cách di chuyển, việc đi lại không còn khó khăn như trước đã khiến thị trường phát triển tốt và giá tăng mạnh. Chính vì vậy, thống kê từ những dự án nhà ở có vị trí thuận lợi cho việc sinh sống, đi lại vẫn thu hút khách hàng giao dịch, ngay cả trong đại dịch. Điển hình như thời gian quan tập đoàn bán các dự án Bien Hoa Universe Complex (Đồng Nai), Lavita Thuan An (Bình Dương); dự án Moonlight Centre Point Tên Lửa (Q.Bình Tân, TP.HCM) dù trong thời điểm dịch bệnh vẫn bán gần hết…
Sẽ chốt lời từ chứng khoán đổ qua địa ốc?
Các chuyên gia tại hội thảo dự báo, nguồn cung mới của quý 4, TP.HCM và vùng phụ cận có thể có 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường, riêng TPHCM và Bình Dương dẫn đầu với 3.000 căn. Sức mua trong quý 4, về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với quý 3. Dự báo về tình hình thị trường cuối 2021 và năm 2022, ông Nguyễn Thanh Quyền nói, sau Tết Nguyên Đán thị trường tăng trưởng từ 10- 15%, đặc biệt sẽ có nhiều khách hàng sẽ chốt lời từ chứng khoán để đổ vào BĐS.