Cùng dự có đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM…
Huy động trí tuệ của nhân dân trong lập quy hoạch
Buổi làm việc đã trao đổi sâu trên tinh thần thẳng thắn về một số vấn đề quan trọng, nhất là về công tác chuyên môn, nhiệm vụ chiến lược dài hạn, nhiệm vụ thường xuyên cùng công tác xây dựng Đảng, đoàn thể của Sở QH-KT.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở QH-KT cũng như biểu dương tinh thần thẳng thắn, tự nhìn nhận những hạn chế, tồn tại như hạn chế trong ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác chuyên môn, nhất là công tác phân tích, dự báo…
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, công tác quy hoạch trên địa bàn TPHCM còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đồ án quy hoạch chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi, dẫn đến tình trạng phải “chạy theo để hợp thức hóa” so với sự phát triển của TPHCM. Bên cạnh đó, có không ít quy hoạch đã được phê duyệt nhiều năm nhưng chậm rà soát, bổ sung, điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến đầu tư phát triển và triển khai dự án. Đặc biệt, tình trạng quy hoạch “treo” vẫn còn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Nhấn mạnh đến vai trò của ngành trong định hướng phát triển - là phải đi trước, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch để khắc phục quy hoạch thiếu tính khả thi và hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Nên gợi ý cần huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý, xây dựng các đồ án quy hoạch khả thi; đồng thời đảm bảo thông tin quy hoạch được công khai, minh bạch và thực hiện việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư một cách nghiêm túc, thực chất.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ với những khó khăn, nhất là nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ của ngành QH-KT TPHCM; đồng thời biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên Sở QH-KT, thể hiện bằng những sản phẩm, kết quả cụ thể.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ của Sở QH-KT trong thời gian tới, nhất là những nhiệm vụ quan trọng, chiến lược. Đặc biệt là việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu cần chú ý thêm đến nhiệm vụ việc lập quy hoạch đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức), nghiên cứu quy hoạch phát triển giao thông đô thị…
“Nghề quy hoạch phải quan tâm đến chất lượng sống của người dân”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và phân tích, quy hoạch không chỉ để tạo bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại mà còn phải mang lại thuận lợi cho người dân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu Sở QH-KT cùng các đơn vị liên quan cần nghiên cứu và tham mưu, tạo những sản phẩm quy hoạch chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Văn Nên phân tích, các mặt trong đời sống của xã hội, từ căn nhà đến ngõ hẻm, ngõ hẻm đến con đường, tuyến phố… đều có liên quan mật thiết đến công tác quy hoạch.
“Vai trò, sứ mệnh của ngành QH-KT, nhất là đối với một đô thị lớn như TPHCM là rất quan trọng”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và chia sẻ với những áp lực của ngành. Song, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng kỳ vọng, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần xác định nhiệm vụ của mình để thực hiện sứ mệnh, trọng trách được giao đạt hiệu quả cao nhất.
Khắc phục quy hoạch thiếu khả thi
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM nhấn mạnh đến nhiệm vụ chiến lược dài hạn, là việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Về cơ bản, Sở đã hoàn thành dự thảo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung và tham mưu UBND TPHCM trình Bộ Xây dựng thẩm định, làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là việc lập quy hoạch đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức), lập quy chế quản lý kiến trúc, lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm và nghiên cứu quy hoạch phát triển giao thông đô thị trọng điểm.
Theo Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã, trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch phải “làm mờ” ranh hành chính để làm tăng tính kết nối, nhất là giải quyết vấn đề liên kết vùng và hình thành được những quy hoạch mang tính đồng bộ.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân nêu thực tế, đất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM còn chiếm tỷ lệ lớn (hơn 54,4%), đặc biệt ở Bình Chánh, đất nông nghiệp chiếm 65%. Do đó, trong điều chỉnh quy hoạch lần này cần điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất phù hợp hơn, theo hướng tăng chỉ tiêu đất ở, giảm chỉ tiêu đất nông nghiệp. Việc này nhằm tạo điều kiện cho TPHCM phát triển cũng như góp phần kéo giảm tình trạng xây dựng không phép.
TPHCM được quy hoạch phát triển ngày càng hiện đại. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đề cập đến một số nhiệm vụ cụ thể của Sở QH-KT TPHCM, như yêu cầu đến cuối năm, sở phải rà soát lại các khu vực quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới để tháo gỡ vướng mắc trong quản lý cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân.
“Giữ quy hoạch dân cư xây dựng mới để phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển đô thị mà không phải giải tỏa những căn nhà người dân mới xây lên. Tuy nhiên, để quy hoạch quá lâu thì cũng không ổn”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Đồng chí Lê Hòa Bình cũng nhìn nhận, tiến độ xây dựng quy chế quản lý tạm thời về quy hoạch, xây dựng, đất đai tại TP Thủ Đức còn chậm và khẳng định, không được để chậm trễ trong việc lập quy hoạch dẫn đến cản trở phát triển của TP Thủ Đức. Vì vậy, Sở QH-KT phải phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đối với TP Thủ Đức nói riêng và toàn TPHCM nói chung.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, quy hoạch là bài toán “động”, nên cần thường xuyên rà soát để điều chỉnh, hủy bỏ những đồ án quy hoạch không còn khả thi.
Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, sẽ quyết định định hướng phát triển cũng như định vị TPHCM đối với cả nước và đối với vùng trong thời gian tới.
Vì vậy, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần có sự tập trung hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Thành ủy TPHCM đến UBND TPHCM cũng như dành nhân lực, tài lực đảm bảo cho ngành thực hiện nhiệm vụ. Một yêu cầu quan trọng nữa là sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các sở ngành của TPHCM và giữa TPHCM với các bộ, ngành Trung ương, với các địa phương trong vùng. Theo đó, trong điều chỉnh quy hoạch sắp tới cần đặc biệt chú ý đến liên kết vùng, qua đó tạo sự liên kết chặt chẽ giữa TPHCM với các địa phương lân cận một cách hiệu quả.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng yêu cầu Sở QH-KT TPHCM cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số để hình thành nguồn tài nguyên chung có sự liên thông dữ liệu, đồng bộ và không gây ra lãng phí.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Sở QH-KT TPHCM nghiên cứu lập và xây dựng 4 đề án trọng điểm của TPHCM. Đó là đề án định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ TPHCM giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2040; đề án định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM giai đoạn 2020-2045; đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế ven sông giai đoạn 2020-2025; đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (TP Thủ Đức).
Ngoài ra, Sở QH-KT cũng nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu vực dự án trọng điểm như: huyện Cần Giờ, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi), Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc và Khu công viên Trường đua Phú Thọ.
Bên cạnh đó, Sở QH-KT cũng thường xuyên phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát, đánh giá các đồ án quy hoạch để khắc phục quy hoạch thiếu tính khả thi và hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.