Liên danh nhà thầu - Tổng công ty 36 đang tập trung huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Nhà kỹ thuật nghiệp vụ và các công trình phụ trợ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Mặc dù thời tiết khi nắng, khi mưa, song, khí thế làm việc của cán bộ, công nhân trên công trường thi công Dự án Nhà kỹ thuật nghiệp vụ và các công trình phụ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn diễn ra khẩn trương.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh có tổng mức đầu tư giai đoạn II hơn 720 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh làm chủ đầu tư, Liên danh Tổng Công ty 36 là nhà thầu thi công, được khởi công vào tháng 8/2020, dự kiến hoàn thành vào tháng cuối năm 2021.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chỉ huy trưởng công trình Lê Minh Sơn cho biết: Những ngày qua, trước những diễn biến phức tạp khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Ban Chỉ huy công trình đã yêu cầu gần 300 công nhân, kỹ sư thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách trong quá trình làm việc; bố trí cho người lao động ở lại, sinh hoạt tại công trường theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan y tế tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho 100% công nhân, tăng ca làm việc, đảm bảo tiến độ công trình.
Khắc phục những khó khăn, đến nay, phần thô khối nhà kỹ thuật 5 tầng đã cơ bản hoàn thành. Hiện, đơn vị đang gấp rút nhập các thiết bị để hoàn thiện hệ thống cơ điện, các hạng mục phụ trợ, đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Đây là một trong những công trình trọng điểm đang được tỉnh đầu tư nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng chung.
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, các cấp, các ngành đã chủ động đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và tích cực khai thác các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa và vốn ODA.
Giai đoạn 2013 - 2020, hơn 218.900 tỷ đồng đã được dành để đầu tư, trong đó: Ngân sách Nhà nước dành hơn 60.100 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp hơn 102.000 tỷ đồng và vốn dân cư là hơn 56.600 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn, mạng lưới đường giao thông trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh phía Bắc và đồng bằng sông Hồng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cải tạo nâng cấp QL 2C Km1-Km 49+750, đường Hợp Thịnh – Đạo Tú nằm trong quy hoạch đường Vành đai 5 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
Các tuyến đường hướng tâm, đường nội thị đã và đang tiếp tục được đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ các chương trình phát triển KT – XH của tỉnh, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 đô thị; trong đó thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và 30 đô thị loại V.
Toàn tỉnh có 72 dự án khu nhà ở, dự án khu đô thị mới, dự án hỗn hợp đã được chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.552 ha.
Quy mô mạng lưới trường học từ bậc mầm non đến THPT được củng cố, hoàn thiện với hệ thống trang thiết bị ứng dụng CNTT, thiết bị thí nghiệm thực hành được đưa vào phục vụ giảng dạy, hệ thống trường THPT được đầu tư xây mới chất lượng như: Chuyên Vĩnh Phúc, Trần Hưng Đạo, Đồng Đậu, Nguyễn Thị Giang...
Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư với một số cơ sở y tế lớn được xây mới, mở rộng, tăng quy mô giường bệnh như: Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; Nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Cùng với đó, toàn tỉnh đã đầu tư 2 TBA 220 kV, 9 TBA 110 kV, hơn 2.000 TBA phân phối với tổng công suất đạt hơn 1 triệu kVA từng bước đáp ứng nhu cầu về điện, phục vụ nhu cầu của nhân dân và phát triển KT – XH trên địa bàn.
Đầu tư hoàn thành dự án mở rộng hệ thống cấp nước thành phố Vĩnh Yên, triển khai đầu tư các dự án Nhà máy nước: Đức Bác, sông Hồng, sông Lô.
Nhằm phát triển chính quyền số, 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã có mạng LAN, kết nối internet cáp quang và mạng truyền số liệu chuyên dùng; hạ tầng cáp quang được triển khai đến 136 xã, phường, thị trấn.
Công tác thu hút đầu, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp được tỉnh chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch với quy mô hơn 5.400 ha; 18 cụm công nghiệp đã được hình thành và thành lập với tổng diện tích hơn 376 ha.
Đến nay, tổng diện tích đất công nghiệp đã bồi thường - GPMB, xây dựng hạ tầng đạt hơn 1.007 ha, diện tích đất đã cho thuê là hơn 865 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 86%; 11 CCN đã đi vào hoạt động thu hút 555 dự án thứ cấp.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng bộ; nguồn vốn bố trí thực hiện các dự án còn hạn chế; việc huy động các nguồn lực khác ngoài vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư còn khó khăn.
Ngoài ra, do ảnh hưởng Covid-19 cùng những vướng mắc trong công tác BT- GPMB đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong công tác BT- GPMB để đảm bảo các dự án được triển khai theo đúng tiến độ, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả sau đầu tư...