Chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do ngập úng, giông lốc, mưa đá, lũ quét… là những giải pháp nằm trong phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của huyện Lập Thạch với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả”, trong đó phòng tránh là chính.
Các lực lượng chức năng và nhân dân xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) tập trung khắc phục thiên tai do lũ quét gây ra trên địa bàn vào ngày 4/4/2021. Ảnh: Chu Kiều
Do tác động của thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khắc nghiệt, vào mùa mưa bão, huyện Lập Thạch thường xuyên hứng chịu những trận mưa lớn, mưa đá, giông lốc, lũ quét…, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, thậm chí là tính mạng của người dân và gây nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, đê, hồ trên địa bàn.
Chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra trong năm 2021, huyện Lập Thạch đã xây dựng phương án PCTT&TKCN sát với điều kiện, yêu cầu thực tế ở từng khu vực, địa phương; khắc phục những tồn tại, hạn chế ở các mùa mưa bão trước.
Mục tiêu đặt ra của huyện là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê, công trình hồ đập và hệ thống kênh, mương, trạm bơm…; đặc biệt là tính mạng, tài sản của nhân dân và làm tốt công tác chính sách xã hội, khôi phục sản xuất, ngăn chặn dịch bệnh sau bão, lũ.
Triển khai công tác PCTT&TKCN, huyện Lập Thạch đã kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ huyện tới cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị, thành viên.
Nhận định các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn huyện trong năm 2021 như: Mưa lớn gây tràn, vỡ các hồ, đập có dung tích vừa và nhỏ; ngập úng nội đồng, nơi đô thị khi xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa trên 100 mm; bão mạnh, lốc xoáy, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất tại các xã vùng núi…, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã đề nghị tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng tăng cường công tác lãnh đạo, đôn đốc, tránh tư tưởng chủ quan, trông chờ, ỷ lại nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Cùng đó, huyện thành lập các cụm PCTT&TKCN phụ trách các tuyến đê sông Phó Đáy và các công trình hồ đập; thành lập các đội tuần tra canh gác hộ đê, thường xuyên kiểm tra đê, kè, cống phát hiện và xử lý kịp thời sự cố.
Đối với các xã có đường đê sông Phó Đáy chạy qua yêu cầu chuẩn bị đầy đủ vật tư bao gồm, cát, sỏi, cây que, phên tre và lực lượng xung kích để hộ đê.
Các xã nội đồng xác định vùng trọng điểm PCTT&TKCN như: Hồ đập, tình huống bão, lốc, sạt lở đất, ngập úng để chuẩn bị vật tư, lực lượng ứng cứu khi cần thiết.
Ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả", trong đó lấy phòng tránh là chính, thì ngoài việc chuẩn bị vật tư, phương tiện đầy đủ, xã Ngọc Mỹ đã thành lập nhiều tổ, đội xung kích PCTT&TKCN sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão xảy ra tại địa phương và kịp thời ứng cứu khi có lệnh huy động.
Khi mưa, lũ quét xảy ra trên địa bàn xã vào ngày 4/4 vừa qua, các lực lượng đã nhanh chóng khơi thông dòng chảy, tiêu úng hạn chế thiệt hại cho hoa màu; khôi phục đoạn đường (khoảng 300 m) bị sạt lở đảm bảo lưu thông, đi lại của nhân dân.
Bên cạnh việc xây dựng phương án, chuẩn bị tốt, đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, Lập Thạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến các tầng lớp nhân dân.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng, đoàn kết phối hợp giúp nhau trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo trong ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, huyện Lập Thạch quyết tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ đập và hệ thống kênh, mương, trạm bơm, trạm điện…, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai bão lũ bất thường.