Nhà ở là một trong những vấn đề cốt lõi của chiến lược an sinh xã hội ở mỗi quốc gia. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật thể hiện sự quan tâm sâu sắc, giải quyết các vấn đề về nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Đoàn công tác lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra tại dự án thiết chế công đoàn tỉnh Tiền Giang.
Do đó, việc đưa ra giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tới giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội cho các dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân là yêu cầu bức thiết.
Ước mơ “an cư lạc nghiệp”
Theo kết quả điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, năm 2019, cho thấy, trong tổng số 1.880 công nhân được khảo sát, có đến 1.093 công nhân (chiếm 58,1%) cho biết, KCN không có nhà ở cho công nhân. Điều này phản ánh thực trạng, nhiều người lao động trong KCN chưa được đáp ứng nhu cầu về nhà ở.
Mặt khác, mặc dù có 787/1.880 công nhân (chiếm 41,9%) cho rằng trong KCN có nhà ở dành riêng cho công nhân, nhưng trên thực tế, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để được ở nhà ở xã hội rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội.
Riêng Hà Nội, có 9/17 KCN đã đi vào hoạt động ổn định với hơn 145 nghìn lao động nhưng mới chỉ có bốn dự án nhà ở cho công nhân thuê với tổng công suất thiết kế 22.420 chỗ ở, trong đó hoàn thành được 8.388 chỗ ở.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo tính toán năm 2020, có khoảng 400 nghìn công nhân làm việc tại ba KCN tập trung (bình quân mỗi năm tăng 2%), trong đó, số công nhân có nhu cầu về chỗ ở là 70%, tương ứng với 280 nghìn chỗ ở.
Trong khi hiện trạng quỹ nhà ở cho công nhân đã được đầu tư xây dựng lũy kế đến cuối năm 2017 mới đáp ứng khoảng 40 nghìn chỗ ở. Như vậy, thành phố cần phải phát triển thêm khoảng 240 nghìn chỗ ở (trong đó, doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 30 nghìn chỗ ở và hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng khoảng 210 nghìn chỗ ở theo hình thức xã hội hóa loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê)…
Công trường xây dựng nhà ở cho công nhân ở Hà Nam.
Thực trạng này đã được nhiều chuyên gia “mổ xẻ” nguyên nhân. Mặc dù, hệ thống chính sách về nhà ở cho công nhân tại các KCN hiện nay khá toàn diện và đầy đủ, tuy nhiên, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Thủ tục để được mua, thuê nhà ở xã hội vẫn còn khắt khe, rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho công nhân làm việc trong các KCN nên hiện tại, nhiều công nhân vẫn chưa tiếp cận được nhà ở.
Nguồn vốn ngân sách một số địa phương còn hạn hẹp dẫn đến không bố trí được vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án và thu hút công nhân mua nhà ở.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn vay của công nhân, người lao động tới chính sách tín dụng theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cũng còn nhiều bất cập.
Cần huy động các nguồn lực xã hội
Nhiều năm nghiên cứu về Quy hoạch Vùng và Đô thị, Quản lý đất đai và kinh nghiệm thực tế quản lý trong các doanh nghiệp, ông Trần Văn Khải, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về nhà ở, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương thức làm việc và cần tinh gọn hơn trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, việc rà soát quy hoạch đô thị chi tiết, gắn quy hoạch nhà ở cho người lao động KCN với quy hoạch phát triển đô thị; hỗ trợ các nhà đầu tư nhà ở cho công nhân tại các KCN, tiếp cận đất sạch để đầu tư xây dựng; quản lý, giám sát chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê trọ, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà ở tiêu chuẩn cho công nhân lao động thuê trọ là đòi hỏi tất yếu.
Khu nhà ở cho công nhân tại Hà Nam.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân cũng cần sớm được quan tâm.
“Tiếp tục đẩy mạnh và có giải pháp đột phá để khuyến khích, thu hút các nguồn vốn, nhà đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân KCN. Giải quyết được vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho công nhân lao động là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và hết sức nhân văn, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Khải nhấn mạnh.
Thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia, ĐBQH đã phản ánh trung thực, kịp thời và đề xuất với Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm, trong đó vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho công nhân. Cử tri cả nước kỳ vọng và tin tưởng những ứng cử viên trúng cử ĐBQH luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chuyển tải kịp thời những kiến nghị của cử tri về an sinh xã hội, để biến ước mơ nhà ở an cư lạc nghiệp thành hiện thực.