Để triển khai Đề án xây dựng Đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Lạng Sơn đã và đang tích cực triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn. Qua đó, tạo “bước đà” mạnh mẽ cho việc thực hiện đề án trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, có 6 yếu tố chính cần thiết tạo nên bộ khung ĐTTM tích hợp. Các yếu tố này có ảnh hưởng hai chiều, tác động lẫn nhau, bao gồm: quản lý – tổ chức theo chính quyền điện tử; các dịch vụ, hạ tầng trong đô thị được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh; cộng đồng dân cư hiện đại, có khả năng tham gia giám sát, hỗ trợ quản lý thành phố; có nền kinh tế thông minh; hạ tầng CNTT truyền thông vững chắc; và môi trường tự nhiên trong lành, được bảo vệ. Trong đó, yếu tố công nghệ được đánh giá là “siêu yếu tố” tác động đến tất cả các thành phần còn lại, mà tiền đề để vận hành tốt siêu yếu tố này chính là xây dựng được hạ tầng CNTT vững chắc.
Cán bộ Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) theo dõi các hoạt động trên địa bàn thành phố thông qua camera
Những năm qua, UBND thành phố Lạng Sơn đã tích cực xây dựng hạ tầng CNTT, trước hết là để phục vụ người dân, doanh nghiệp, sau đó là tạo tiền đề cho việc hình thành, phát triển ĐTTM. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 – 2020, UBND thành phố đã triển khai sử dụng mạng LAN trên máy tính kết nối Internet băng rộng đối với 100% phòng, ban, đơn vị trực thuộc; nâng cấp hệ thống Văn phòng điện tử eOffice lên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice; triển khai hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và các phường, xã.
Gần đây nhất, từ cuối năm 2020, UBND thành phố triển khai thử nghiệm phần mềm hệ thống thông tin báo cáo địa phương; tập trung xây dựng và đưa Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) vào hoạt động thí điểm, dự kiến từ tháng 6/2021. Đến nay, phần mềm ĐTTM đã bắt đầu được tuyên truyền cho người dân sử dụng để phản ánh về các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; các trang thiết bị phục vụ cho trung tâm thử vận hành cho kết quả tốt; bước đầu kết nối được 50/238 camera an ninh trên địa bàn với chất lượng đường truyền ổn định…
Song song với việc xây dựng hạ tầng CNTT, UBND thành phố đã và đang đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn kỹ năng sử dụng các phần mềm, điều hành Trung tâm IOC. Ông Vũ Lê Dũng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố, phụ trách Trung tâm IOC cho biết: Từ cuối tháng 4/2021, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cài đặt các phần mềm liên quan cho 100% cán bộ, công chức tại các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, bố trí 4 cán bộ phụ trách Trung tâm IOC; mỗi đơn vị trực thuộc UBND thành phố bố trí 2 cán bộ phụ trách việc cập nhật, khai thác dữ liệu trên hệ thống phần mềm ĐTTM.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của cả tỉnh, là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm xây dựng ĐTTM. Đây vừa là nhiệm vụ quan trọng mà cấp trên giao phó, vừa là cơ hội phát triển thành phố theo hướng hiện đại. Do đó, UBND thành phố đã rất quyết liệt, nghiêm túc trong công tác chỉ đạo điều hành, đưa ra kế hoạch cụ thể từng bước theo nội dung Đề án xây dựng ĐTTM của tỉnh. Trong giai đoạn đầu thực hiện đề án (2021 – 2022), chúng tôi tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng CNTT và nâng cao chất lượng nhân lực CNTT, tạo “bước đà” mạnh mẽ cho các giai đoạn tiếp theo.
Có thể thấy, ngay từ thời điểm đầu xây dựng ĐTTM, thành phố đã có khí thế và quyết tâm rất cao trong việc triển khai thực hiện. Tin rằng với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, cá nhân liên quan, ĐTTM của thành phố Lạng Sơn sẽ sớm được hình thành, phát triển và ngày càng hiện đạị.
Đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.