Các công trình đáp ứng sự mong mỏi của người dân huyện đảo Phú Quý bao năm qua, góp phần cải thiện môi trường sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận có 2 công trình lần lượt được hoàn thiện và đưa vào sử dụng là Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và Nhà máy xử lý và tái chế rác thải. Đây là các công trình đáp ứng sự mong mỏi của người dân huyện đảo bao năm qua, góp phần cải thiện môi trường sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Khi Nhà máy xử lý và tái chế rác thải ở đảo Phú Quý được khánh thành vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người dân trên đảo đã thể hiện sự vui mừng khi nhà máy này được đưa vào hoạt động. Ông Phạm Sinh, ngụ thôn Triều Dương, xã Tam Thanh cho biết, từ xưa đến nay, rác thải toàn đảo này đổ về tập kết và chôn lấp ở đây.
“Vài năm nay, du lịch phát triển, rác thải cũng tăng theo khiến rác thải chất cao như núi, mùi hôi thối rất khó chịu. Giờ có nhà máy, dân trong xã và cả huyện đảo đều vui. Việc khánh thành nhà máy xử lý rác thải trên đảo sẽ giúp vệ sinh môi trường ở địa phương đảm bảo xanh- sạch- đẹp, đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân ở đây”, ông Sinh không giấu được niềm vui.
Nhà máy xử lý và tái chế Phú Quý.
Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Phú Quý được xây dựng trên diện tích hơn 2 ha tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh với tổng mức đầu tư hơn 66 tỷ đồng. Ông Lê Đình Yên, Phó Giám nhà máy cho biết, nhà máy được lắp đặt công nghệ tiên tiến với dây chuyền nhập khẩu có quy mô xử lý 70 tấn rác/ngày, sẽ giải quyết toàn bộ lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương (35-40 tấn/ngày) và gần 139.000 tấn rác thải tồn đọng.
“Riêng lượng rác cũ cũng đã được thống nhất phương án cho vào lòng sàng để phân loại rác hữu cơ đưa vào xử lý tiếp, phần còn lại đưa đi chôn lấp theo quy định. Riêng phần rác mới sẽ được thực hiện đúng quy trình đưa vào hố tiếp nhận sau đó qua phân loại và đưa vào lòng sàng để tách lọc ra hai phần. Phần rác hữu cơ chuyển sang ủ phân, phần còn lại đưa vào lò đốt”, ông Yên cho hay.
Trước đó, công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Phú Quý (giai đoạn I) do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư cũng đã hoàn thành sau 4 năm xây dựng. Công trình bao gồm 2 hạng mục: Đê chắn sóng và hệ thống phao neo tàu, với tổng mức đầu tư hơn 544 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Ban quản lý Dự án nông nghiệp) đang gấp rút hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng.
Trong một thời gian ngắn nữa khi được đưa vào sử dụng, công trình có thể đáp ứng cho 1.000 tàu cá với tàu lớn nhất công suất đến 600 CV khai thác hải sản trên ngư trường vùng biển Nam Trung bộ, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào neo đậu, tránh trú bão. Đồng thời, Ban quản lý Dự án nông nghiệp Bình Thuận cũng đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án (giai đoạn 2) làm cơ sở trình Bộ NN&PTNT.
Công trình Khu neo đậu tránh trú bão được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV.
Nếu được Trung ương xem xét, bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư 532 tỷ đồng, giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục nạo vét luồng, khu nước neo đậu; xây dựng bến cập tàu và hạ tầng thiết yếu cho các loại tàu 600 CV, 90 CV và các công trình thiết yếu khác…
“Sau khi thực hiện tất cả các bước chuẩn bị đầu tư và dự án được duyệt, thiết kế được duyệt, hoàn tất đấu thầu, dự án sẽ được thực hiện theo nhiệm vụ tỉnh giao trong cuối năm nay phải khởi công công trình”, ông Nguyễn Hoài Phong, Chánh Văn phòng Ban quản lý Dự án nông nghiệp Bình Thuận cho biết.
Nhà máy xử lý và tái chế rác thải, Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là hai công trình thiết yếu mà người dân Phú Quý mong mỏi nhiều năm qua. Hai công trình này đi vào hoạt động thực sự giải quyết rất nhiều khó khăn của người dân trên đảo. Về lâu dài, để phát triển ổn định, bền vững, Phú Quý mong muốn được tỉnh Bình Thuận và Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng kè phía Bắc của đảo. Hiện bờ kè phía Nam đã hoàn thành và phát huy tác dụng trong bảo vệ được bờ biển khỏi xâm thực, đồng thời là điểm nhấn trong du lịch. Một số công trình dân sinh nữa cũng được Phú Quý chú trọng đề xuất, tìm vốn đầu tư.
Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý kiến nghị, vấn đề xử lý nước thải hiện nay chưa có nên huyện cũng đã bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên, với nguồn vốn của địa phương nhỏ, có thể không đáp ứng nổi nên đó là các điểm nhấn của Phú Quý trong giai đoạn tiếp theo.
Đảo Phú Quý có diện tích 17 km2, dân số gần 30.000 người, là khu vực có hàng ngàn lượt tàu thuyền trong và ngoài tỉnh qua lại. Cùng với kinh tế biển, những năm gần đây, khách du lịch đến Phú Quý ngày càng nhiều. Xây dựng các công trình dân sinh, thiết yếu để phát triển kinh tế biển đảo và du lịch là vấn đề được đặt lên hàng đầu ở Phú Quý hiện nay./.