Hội nghị triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 15/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.”
Thận trọng, có nhiều sáng kiến
Theo đại diện Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), Nghị định 32/2021/NĐ-CP với 6 Chương và 32 Điều; trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; công chức phường thuộc biên chế của quận.
Hằng năm ít nhất 2 lần, trước kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức đối thoại với nhân dân; số biên chế công chức bình quân tại Ủy ban nhân dân phường là 15 người…
Làm rõ thêm, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội là cần quản lý theo ngành, lĩnh vực, địa bản thống nhất, tập trung, xuyên suốt của Ủy ban nhân dân thành phố và cấp quận cũng như phát huy hiệu quả việc giám sát của các đoàn thể, Mặt trận tổ quốc.
“Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô là Ủy ban nhân dân phường được xác định là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính,” Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phân tích thêm.
Cũng theo ông Tuấn, khác với Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội không tổ chức Hội đồng nhân dân ở phường. Tuy nhiên ở xã, quận, huyện, thị xã vẫn giữ Hội đồng nhân dân như một cấp chính quyền.
“Để phục vụ nhân dân nhanh nhất, Nghị định nêu rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp-Hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao các giấy tờ, văn bản, chữ ký… Đây là sáng kiến đáng ghi nhận của Hà Nội,” ông Tuấn đánh giá.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ quan trọng này, ngày 12/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch chi tiết. Theo đó việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp.
Sau khi sắp xếp, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở phường hoạt động ổn định, bình thường với bộ máy Ủy ban nhân dân tinh gọn, công tác điều hành giữa quận và phường đảm bảo đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự.
Các phần việc cụ thể như: Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị định 32 của Chính phủ; rà soát, bố trí, sắp xếp bộ máy cán bộ công chức… được giao cụ thể cho từng đơn vị, với các mốc thời gian rõ ràng với hạn cuối là tháng 7/2021...
Sớm “giải mã” những băn khoăn
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết thành phố đã đề xuất nhiều nội dung để xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Thủ đô và đều được Bộ Nội vụ ủng hộ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bà Tuyến cũng đặt một số vấn đề khá quan trọng như cán bộ đang là bí thư, phó bí thư, trưởng các đoàn thể đang là công chức phường sắp tới có được chuyển thành công chức của quận không? Nếu được chuyển thì là công chức thuộc Quận ủy hay Ủy ban nhân dân quận; dự toán ngân sách ra sao, ủy quyền thu thế nào…
“Chúng tôi mong Bộ Nội vụ sớm trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương để sớm có hướng dẫn cụ thể,” Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Bộ Nội vụ cùng thành phố sớm giao biên chế bổ sung cho các quận; có quy định khung bộ máy các phường; sớm quy định chế độ công vụ khi chuyển về công chức quận.
“Thành ủy sẽ sớm làm việc cùng Ban Tổ chức Trung ương để có hướng dẫn sớm về các vấn đề còn băn khoăn. Thành ủy cũng sẽ chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân sớm ban hành chính sách liên quan đến việc chuyển tiếp ngân sách, chính sách với cán bộ dôi dư; chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể thành phố chỉ đạo cấp cơ sở ở 175 phường, tăng cường giám sát, phát huy dân chủ cơ sở với quy chế hoạt động rõ ràng,” Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị để triển khai nhiệm vụ, Sở Tư pháp cần phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ biên tập tài liệu tuyên truyền gửi các quận và thị xã Sơn Tây. Công tác tuyên truyền đề nghị gắn kết với kết hợp với tuyên truyền về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đồng bộ, hiệu quả.
Ngay sau hội nghị, các quận, thị xã báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy để tổ chức hội nghị tại cơ sở; đặc biệt là làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ tại địa phương yên tâm công tác. Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan để có hướng dẫn tiếp theo về công tác cán bộ.
Ông Sơn lưu ý các đơn vị khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo quy định của Nhà nước. Đây là dịp để rà soát cán bộ, thay đổi cung cách làm việc ở cơ sở. Các đơn vị cũng cần rà soát lại đội ngũ đoàn thể ở cơ sở. Hiện vẫn có tình trạng có nơi làm việc tối mặt tối mũi, nơi nhởn nhơ, dẫn đến mất đoàn kết.
“Các đơn vị thời gian thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là từ 1/7, các đơn vị cần tập trung quán triệt, thực hiện khẩn trương đúng lộ trình mà kế hoạch thành phố đã đề ra, nắm bắt đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cán bộ cơ sở - song hành với đảm bảo nhiệm vụ quan trọng là tổ chức thành công bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp…,” ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh./.