Phúc Yên – đô thị có hơn 115 năm hình thành và phát triển đã và đang phát huy vai trò là một trong những trung tâm KT- XH trọng điểm của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, mở ra cơ hội, động lực mới cho các ngành kinh tế, dịch vụ, du lịch phát triển trong môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp".
Hạ tầng giao thông thành phố Phúc Yên được đầu tư đồng bộ, hiện đại, xứng tầm là một trong những trung tâm KT- XH trọng điểm của tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Những năm qua, thành phố Phúc Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật, dự án hạ tầng, tạo diện mạo đô thị khang trang hiện đại; đảm bảo mục tiêu liên kết, nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến đường, tuyến phố nội thị, tạo cho diện mạo đô thị thay đổi theo hướng hiện đại.
Năm 2020, nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác đã góp phần phát triển giao thông, mở rộng không gian đô thị như: Cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ (thành phố Phúc Yên) đi Sóc Sơn (Hà Nội); xây dựng cổng chào tại đường tỉnh 301 đoạn thành phố Phúc Yên, và cải tạo, chỉnh trang đảo giao thông đường tỉnh 310 giao với đường Nguyễn Tất Thành; cải tạo, mở rộng đường Quang Trung, phường Tiền Châu (đoạn từ Quốc lộ 2 đến ngã tư giao với đường Hoàng Quốc Việt)…
Cùng với đó, chất lượng sinh hoạt của người dân được nâng lên bởi hệ thống cấp nước, cấp điện được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, riêng hệ thống cấp nước sạch cho người dân thành phố được đầu tư với công suất gần 30.000 m3/ngày, đêm; 100% nhân dân khu vực nội thành được sử dụng nước sạch.
Các công trình chiếu sáng, công viên cây xanh, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, hệ thống đèn trang trí mỹ thuật không gian đô thị bằng đèn LED được đầu tư, phục vụ chỉnh trang đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp.
Quá trình đô thị hóa của Phúc Yên diễn ra mạnh mẽ cũng kéo theo sự ra đời những khu đô thị mới như: Khu đô thị Đồng Sơn, khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu, khu đô thị TMS Land - Hùng Vương, khu đô thị Nam Phúc Yên, khu đô thị Đầm Diệu…, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống người dân mà còn phục vụ tốt cho việc phát triển KT- XH trên địa bàn.
Ngoài ra, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cũng được coi là thế mạnh của Phúc Yên khi đã hình thành và phát triển hệ thống hạ tầng nghỉ dưỡng hiện đại, tiên tiến như: Flamingo Đại Lải Resort, Paradise Đại Lải Resort, Sân Golf Ngôi sao Đại Lải, Đảo Ngọc…; hệ thống hạ tầng cơ sở dành cho các hoạt động hội thảo, du lịch trải nghiệm phong phú tại xã Ngọc Thanh.
Đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của thành phố trong quá trình kiến tạo kiến trúc không gian, dịch vụ đô thị.
Là đô thị cửa ngõ của tỉnh, Phúc Yên có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư với nhiều KCN như: KCN Kim Hoa, KCN Phúc Yên... là nơi đứng chân của nhiều doanh nghiệp FDI lớn như: Toyota, Honda…; thu hút hơn 1.200 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, linh kiện ô tô - xe máy...
Đó là động lực quan trọng để thành phố phấn đấu thu ngân sách đạt trên 700 tỷ đồng trong năm 2021, tạo việc làm và thu nhập ổn định thêm khoảng 2.000 lao động mới.
Ông Nguyễn Mạnh Khuê, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Phúc Yên cho biết: Xác định việc phát triển hạ tầng đô thị không chỉ dừng lại ở việc quy hoạch, xây dựng, mở rộng thành phố mà còn là tư duy, tầm nhìn mới về phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm bản sắc riêng.
Thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển giáo dục, ổn định an sinh xã hội.
Đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm chỉnh trang đô thị, rà soát các công trình hạ tầng, bổ sung hệ thống chiếu sáng… tạo cảnh quan cho đô thị Phúc Yên xứng tầm là một trong những trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, các cấp chính quyền thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị; đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng bán lẻ.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh mua sắm. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, kiến trúc, nhà ở và chất lượng sống của người dân.
Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai hoàn thiện "Đề án quản lý và phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2045".