Định hướng của tỉnh Quảng Nam trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tập trung phát triển toàn diện khu vực vùng Đông của tỉnh, với mục đích thành một khu vực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hệ sinh thái, văn hóa đa dạng; kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học và công nghệ…
Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Theo đó, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quảng Nam cho biết, phạm vi lập quy hoạch với địa giới hành chính gồm 9 huyện, thành phố. Phía Đông giáp với hải phận Việt Nam, phía Tây giáp với các huyện miền núi, phía Nam giáp với tỉnh Quảng Ngãi, phía Bắc giáp với thành phố Đà Nẵng, diện tích 2.742 km2, dân số 1.196 ngàn người.
Khu vực này sẽ là động lực quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tại đây cũng xác lập một số hành lang xanh vĩnh viễn như vùng ven sông Thu Bồn gắn với đô thị cổ Hội An và tháp Mỹ Sơn; vùng ven sông Trường Giang, Cổ Cò; vùng sinh thái Phú Ninh và một số hành lang xanh nông nghiệp Đông Tây.
Cùng với đó là các vùng đô thị phía Đông Nam gắn với tỉnh lỵ và Khu kinh tế mở Chu Lai; vùng đô thị phía Đông Bắc gắn với đô thị cổ Hội An, Điện Bàn và vệt đô thị, công nghiệp dọc tuyến 14B; vùng sinh thái đô thị Thăng Bình- Duy Xuyên- Quế Sơn, các đô thị nhỏ ở phía Tây.
Khởi động cho việc phát triển vùng Đông gắn với các đô thị sinh thái, ngay từ những tháng đầu năm 2021 này, nhiều dự án trong khu vực này đã khởi động triển khai như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển Võ Chí Công nối từ Hội An đi cảng Chu Lai và sân bay Chu Lai. Dự án khu đô thị sinh thái Vịnh An An Hòa, huyện Núi Thành đã ra mắt và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Ông Vũ Cao Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần Chu Lai Hội An cho biết, dự án khu đô thị sinh thái Vịnh An Hòa với quy mô lên đến 99,6 ha, tiếp giáp với 3,5km hướng ra mặt Vịnh An Hòa.
Dự án nằm giao thoa trên trục đường huyết mạch Võ Chí Công, tuyến đường đẹp nhất tỉnh Quảng Nam, kết nối đồng bộ với mạng lưới trung tâm hành chính, công nghiệp, giáo dục và y tế trong khu vực, cũng như các tiện ích cần thiết để phục vụ cuộc sống an cư lâu dài.
Đây là dự án mà chủ đầu tư đã dồn mọi tâm huyết với kỳ vọng sẽ biến khu vực này trở thành khu dân cư trung tâm, thay đổi hoàn toàn diện mạo huyện Núi Thành, đưa khu vực trung tâm phía Đông Quảng Nam trở thành nơi tụ hội đủ mọi điều kiện giúp vùng đất Chu Lai cất cánh, trở thành trung tâm kinh tế- xã hội mới của miền Trung.
Không phải đến bây giờ tỉnh Quảng Nam mới tính đến việc quy hoạch phát triển vùng Đông, mà những năm qua tỉnh Quảng Nam đề ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút những dự án lớn đầu tư vào khu vực phía đông của tỉnh. Nhờ đó, đã có hàng chục dự án lớn đầu tư ở khu vực này và đã đưa vào hoạt động tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách và tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay, các địa phương ở vùng Đông đã có quy hoạch 1/2000 và 1/500 theo từng khu chức năng và các dự án đầu tư tổ chức thực hiện; quy hoạch về cảnh quan đô thị;…
Vì vậy, lãnh đạo các địa phương và đơn vị tư vấn xem xét lập đề án quy hoạch phải có tính kế thừa, có sự phát triển, phương pháp tiếp cận khoa học, dự báo được tương lai, cách tiếp cận đa chiều, từ đặc điểm tự nhiên, lịch sử văn hóa của vùng đất này như thế nào, rà soát đánh giá phải thật kỹ càng;… Việc phát triển vùng Đông đối với Quảng Nam là rất quan trọng.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, làm sao để khớp nối đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái và phát triển khu vực này trở thành một vùng đô thị đáng sống, vì có một quỹ đất đẹp.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế phía Đông của tỉnh Quảng Nam cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách bài bản. Qua đó cho thấy, việc hoàn chỉnh quy hoạch vùng Đông để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng ven biển Quảng Nam hết sức quan trọng…/.