Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng Hà Nội cần lấy trục sông Hồng là trục xanh để làm trung tâm phát triển Thủ đô; phát triển đô thị nén phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, tạo ra trung tâm tài chính.
Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hà Nội đang tiến tới một ‘siêu đô thị lớn’
Phát biểu tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP. Hà Nội chiều 28/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định Hà Nội đang tiến tới siêu đô thị lớn.
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua Hà Nội phát triển rất mạnh, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại so với 5-7 năm trước đây. Hà Nội ngày càng khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế đất nước, là hạt nhân thúc đẩy phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho cả vùng phía bắc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên cơ hội nhiều thì thách thức cũng nhiều. Thách thức lớn nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển và Hà Nội là trung tâm nên càng đầu tư nhiều, càng hấp dẫn và càng hấp dẫn thì áp lực càng lớn, nhất là vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Đồng tình với kiến nghị của Hà Nội, nhất là kiến nghị liên quan đến điều chỉnh quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều chỉnh quy hoạch phải gắn với Vùng Thủ đô để phát triển đô thị vệ tinh hấp dẫn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy trục sông Hồng để phát triển.
Để điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy trục sông Hồng để phát triển. Cụ thể cần phát triển cân đối hai bên trục sông Hồng và phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.
"Hà Nội cần phát triển đô thị nén phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, tạo ra trung tâm tài chính như Phố Đông của Thượng Hải, lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội thực hiện 4 vấn đề. Thứ nhất, tập trung đầu tư hạ tầng; thứ 2, phát triển các khu đô thị mới để vừa tạo động lực vừa giãn dân; thứ 3 là phát triển nhà ở xã hội và thứ 4 là tập trung cải tạo chung cư cũ.
Về nguồn vốn, Hà Nội cần xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn và Trung ương sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội các nguồn vốn để phát triển.
Sẽ sớm trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch Thủ đô
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự phát triển của Thủ đô nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương và các bộ, ngành.
Năm 2020 có 11 bộ, ngành về làm việc với Hà Nội, điều này giúp cho Thành phố xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII có chất lượng và xây dựng 10 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2021-2025 với từng nội dung cụ thể.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu 3 vấn đề lớn đề nghị Trung ương, các bộ, ngành quan tâm.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quy hoạch hai bên sông Hồng, sông Đuống đã được Thành phố lập dự thảo xong, hiện đang chờ các ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, Thành phố đã tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Ông Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ quan tâm để trong tháng 6/2021 có thể ban hành quy hoạch này, như vậy sẽ phủ kín được 100% quy hoạch ở Thủ đô. Thành phố sẽ sớm trình Thủ tướng dự thảo liên quan điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Vấn đề thứ hai, trong năm 2021, theo chương trình công tác của Bộ Chính trị, Hà Nội sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thứ ba, cũng trong năm 2021, Hà Nội sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Trung ương, Chính phủ xem xét, cho phép Hà Nội bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành cùng phối hợp với Hà Nội để thực hiện các nội dung này.