Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết kể từ năm 2014, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ít nhất 6%/năm, đạt 7% trong năm 2018 và 2019, mức tăng trưởng nhanh chóng này đã thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Dự án điện gió và điện Mặt Trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) được triển khai nhanh nhờ sự hỗ trợ lớn của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Theo bài viết ngày 12/1 trên trang mạng The Diplomat, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh là động lực thúc đẩy tiêu thụ năng lượng xanh ở nước này.
Theo bài viết, trong năm 2014, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo phi thủy điện ở Việt Nam (năng lượng Mặt Trời, gió và khí hóa sinh khối) là 109 megawatt (MW), chiếm khoảng 1/3 của 1% tổng công suất lắp đặt 34.079 MW của cả nước.
Vào thời điểm đó, cơ cấu điện năng của Việt Nam chủ yếu là thủy điện (46%), than đá (29%) và khí đốt tự nhiên (22%). Đến cuối năm 2019, năng lượng gió và Mặt Trời đạt 5.700 MW công suất lắp đặt, chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung.
Điều đó có nghĩa là chỉ trong vòng 5 năm, năng lượng gió và Mặt Trời tăng tỷ trọng trong nguồn cung của cả nước từ 0%-10%.
Theo tác giả bài viết, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đã thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở nước này.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết kể từ năm 2014, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ít nhất 6%/năm, đạt 7% trong năm 2018 và 2019. Mức tăng trưởng nhanh chóng này đang thúc đẩy tiêu thụ năng lượng ở tốc độ phi thường.
Lượng điện bán ra của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng từ 128,6 terawatt giờ (TWh) trong năm 2014 lên 209,4 TWh trong năm 2019.
Mức tiêu thụ điện tăng hơn 11%/năm, tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Năm 2017, các cơ quan quản lý của Việt Nam cho phép EVN mua điện Mặt Trời từ các nhà sản xuất độc lập với giá FIT hấp dẫn là 9,35 cent/kilowatt giờ.
Đây là những động lực hữu hiệu cho sự tăng trưởng đột biến trong ngành năng lượng tái tạo.
Ngoài việc nhập khẩu than và khí đốt tự nhiên đang làm tăng chi phí sản xuất, việc này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm thúc đẩy cải cách thị trường để làm cho Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư thân thiện.
Chính phủ Việt Nam nhận thức được rằng đất nước sẽ cần dòng vốn lớn để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt. Riêng lĩnh vực điện, Báo cáo thường niên năm 2017 của EVN ước tính sẽ cần 22 tỷ USD đầu tư trong năm 2020 để theo kịp nhu cầu./.