Nền tảng để Vĩnh Phúc trở thành đô thị thông minh

Thứ năm, 14/01/2021 14:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh đang phát huy vai trò trợ thủ đắc lực cho mọi hoạt động thông tin liên lạc, là mạch nối lưu thông và thúc đẩy các hoạt động chính trị, KT – XH trên địa bàn. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trong thời gian tới.

 

VNPT Vĩnh Phúc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông. Ảnh: Thế Hùng

Những năm gần đây, công tác quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng; chất lượng mạng lưới, dịch vụ viễn thông từng bước được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã cơ bản đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc.

Đặc biệt, sau 1 năm Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc đi vào hoạt động và được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, đã có 369 danh mục thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tất cả các lĩnh vực; an toàn thông tin mạng luôn được đề cao, bảo đảm không gian mạng lành mạnh.

Hạ tầng mạng lưới bưu chính, viễn thông của tỉnh không ngừng phát triển và được phủ sóng rộng khắp với 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông; 169 bưu cục, điểm phục vụ; số dân phục vụ bình quân 7.000 người/điểm, mật độ điện thoại đạt 108 máy/100 dân.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,1 triệu thuê bao điện thoại (tăng 929 nghìn thuê bao so với năm 2015); 190 nghìn thuê bao internet (tăng 100 nghìn thuê bao so với năm 2015); 50 nghìn thuê bao truyền hình trả tiền.

Doanh thu của các doanh nghiệp (DN) viễn thông giai đoạn 2016 - 2020 là 7.513 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 5,5%/năm (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 4%).

Bên cạnh đó, các DN viễn thông không ngừng chỉnh trang, cải tạo mạng cáp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nâng cao mỹ quan đô thị.

Vĩnh Phúc đang chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế số với sự chuyển mình của các DN viễn thông để đáp ứng và phục vụ tốt hơn cho quá trình hiện đại hóa, đưa Vĩnh Phúc hội nhập, điển hình là Viettel Vĩnh Phúc.

Đơn vị đã thành công trong việc phát triển mạng 4G và đang từng bước phát triển các trạm thu phát sóng trên toàn tỉnh, là cơ sở để nâng cấp lên 5G trong tương lai.

Việc luôn cập nhật và nâng cấp công nghệ của đơn vị đã giúp chất lượng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh nhanh hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhờ đó, năm 2020, tổng doanh thu của Viettel Vĩnh Phúc ước đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Chiếm hơn 70% thị phần viễn thông trên địa bàn tỉnh, Viettel Vĩnh Phúc xác định với thế mạnh về nguồn vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, hạ tầng mạng lưới viễn thông, từ đó, tiếp tục nghiên cứu và triển khai và đưa vào kinh doanh thương mại giải pháp ảo hóa hạ tầng mạng, dịch vụ điện toán đám mây cho DN cũng như nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin viễn thông.

Ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo hạ tầng để sẵn sàng chuyển đổi mạng thông tin di động 5G. Tập trung hiện đại hóa hệ thống mạng viễn thông, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và trọng tâm là hỗ trợ Vĩnh Phúc từng bước xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Năm 2020 được coi là năm thành công của VNPT Vĩnh Phúc bởi đơn vị đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông thụ động, bao gồm:

Cống, bể cáp, cột phát sóng, tập trung vào phát triển hạ tầng băng rộng, 3G, 4G, thử nghiệm 5G, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi còn hạn chế về phương tiện thông tin liên lạc, nghe nhìn; tập trung phát triển mạng lưới thông tin, viễn thông đô thị, hội nghị trực tuyến, đặc biệt là hạ tầng viễn thông ở những KCN.

Nhờ đó, năm 2020, tổng doanh thu sản xuất kinh doanh của đơn vị đạt gần 400 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế tồn tại như: Tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thư

điện tử rác; tỷ lệ chia sẻ, dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp còn chưa cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin tại một số đơn vị, địa phương chưa được chỉ đạo quyết liệt; tỷ lệ hồ sơ sử dụng các dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến còn thấp; trình độ của cán bộ công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại cơ sở năng lực hạn chế…

Bước sang năm 2021, ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc tập trung tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghị quyết về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tham mưu trình HĐND tỉnh Nghị quyết về phê duyệt Đề án nâng cao Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh Vĩnh Phúc; tham mưu thực hiện đầu tư hạ tầng nền tảng số cho Trung tâm Hạ tầng thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông), phục vụ chuyển đổi số và phát triển KT - XH của tỉnh.

Khuyến khích các DN viễn thông tăng cường sử dụng chung hạ tầng; chuyển đổi trạm BTS thân thiện môi trường tại khu đô thị, khu du lịch.

Thực hiện kế hoạch chỉnh trang, bó gọn, hạ ngầm cáp viễn thông đã được UBND tỉnh phê duyệt, góp phần gia tăng tỷ lệ hộ gia đình có kết nối thuê bao internet băng rộng cố định (hiện tại mới có gần 200 nghìn/310 nghìn hộ, đạt tỷ lệ 64,5%) phục vụ cho nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Từ đó, góp phần xây dựng hạ tầng số, đáp ứng kết nối dữ liệu, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)