Sáng 5/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức hội thảo Khoa học Quốc tế Thành phố thông minh nhìn từ góc độ kinh tế, xã hội thực tiễn Châu Âu và Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Âu: Với những thành tựu đột phá về KHCN như IOT, Big Data, AI, vật liệu mới,… Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi một cách căn bản cách thức phát triển đô thị, trong đó có cách thức chính quyền quản trị đô thị, tương tác với doanh nghiệp, người dân; cách thức doanh nghiệp vận hành theo các mô hình kinh doanh mới; cách thức người dân tiêu dùng và tương tác với chính quyền, doanh nghiệp. Đô thị thông minh đang trở thành xu thế tất yếu trong phát triển đô thị trên thế giới bắt nguồn từ Bắc Mỹ, Châu Âu, một số nước phát triển ở Châu Á và lan tỏa sang các nước khác trong khu vực.
Nắm bắt xu thế tất yếu đó, Chính phủ Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phát triển các thành phố theo hướng đô thị thông minh. Theo “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” sẽ thí điểm giai đoạn 1 với việc hỗ trợ 6 đô thị/6 vùng kinh tế xây dựng Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh. Để đảm bảo cho việc thực hiện thành công đề án này, cần có một số điều kiện quan trọng như: cơ sở hạ tầng thông tin; hệ thống pháp lý; nguồn lực tài chính; tính kết nối,… Là một nước đi sau còn nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, KHCN, nguồn nhân lực và hệ thống pháp lý, Việt Nam mong muốn học hỏi của các nước đi trước đã có những thành công trong lĩnh vực này như các quốc gia EU, Hàn Quốc.
Với mục tiêu đó, tại hội thảo, các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện khu vực doanh nghiệp (VNPT, Becamex, BRG, Thanh Cong Land, LH Group), cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông), các tổ chức hỗ trợ phát triển, các tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận vào các vấn đề mang tính nền tảng cho việc xây dựng đô thị thông minh như: hệ thống hạ tầng thông tin, khung pháp lý…; một số lĩnh vực quan trọng trong đô thị thông minh như quy hoạch, chính phủ điện tử, giao thông thông minh, lưới điện thông minh, đô thị sinh thái, mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển đô thị thông minh.