Tăng mức phạt để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng

Thứ sáu, 06/11/2020 11:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc đề xuất tăng mức xử phạt cao hơn trong dự thảo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội về quy định mức tiền phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng được sự đồng tình của dư luận, góp phần tăng tính răn đe, giúp hạn chế các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ảnh minh họa: Thùy Chi

Đề xuất tăng mức phạt từ 2 đến 10 lần

Trước đó, dự thảo Nghị quyết của Sở Xây dựng cho thấy, với hành vi vi phạm xây dựng, mức tiền phạt được đề xuất tăng lên gấp đôi hiện nay, cao nhất là 2 tỷ đồng. Mức phạt tiền quy định tại dự thảo Nghị quyết áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo cho biết, Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 11-7-2014 của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, căn cứ theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, đã hết hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (ngày 27-11-2017, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018) để thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, vì vậy thành phố Hà Nội soạn thảo, ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND.

Điểm đáng chú ý là theo dự thảo nghị quyết mới, mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã được đề xuất tăng so với Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND từ 2 đến 10 lần. Cụ thể, hành vi xây dựng không che chắn hoặc để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống khu vực xung quanh, mức phạt là từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng, tăng gấp 2 lần. Với hành vi xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, mức phạt lên từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng, tăng từ 8 lần đến 10 lần. Hành vi thi công xây dựng sai phép, mức phạt cũng tăng gấp đôi; trong đó trường hợp cải tạo nhà ở sai phép phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 20 triệu đồng, xây dựng mới sai phép phạt từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Trường hợp xây dựng không phép, mức xử phạt từ 80 triệu đồng đến 120 triệu đồng, cao gấp 4 lần... “Cũng như Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND, mức xử phạt tại dự thảo nghị quyết mới của HĐND thành phố Hà Nội cao gấp đôi so với quy định tại nghị định của Chính phủ”, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 2,25%). Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường... Tuy số lượng vi phạm giảm, song thực tế, mức độ và hình thức vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, thậm chí có dự án còn tái vi phạm sau khi bị xử phạt.

Ghi nhận từ thực tế tại Hà Nội cho thấy, vi phạm xây dựng từ công trình xây dựng riêng lẻ đến những dự án với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những “siêu” dự án liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến phòng cháy chữa cháy với hàng loạt “trát phạt”.

Có thể kể đến như vi phạm tại dự án Hinode City 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật 103 triệu đồng do thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

Chỉ 2 ngày sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.

Cần quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Trao đổi với phóng viên Trang tin Thủ đô Hà Nội về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn có xu hướng tăng và diễn ra theo chiều hướng phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội và TPHCM. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, xây dựng không phép… Những vi phạm này vẫn đang tồn tại công khai và là vấn đề nóng trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu nhà ở của người nhập cư, người có thu nhập thấp gia tăng qua các năm. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền lại rất lớn trong khi đó các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên một số đối tượng trục lợi vẫn cố tình vi phạm, đâu đó còn tình trạng buông lỏng quản lý thậm chí phát sinh tiêu cực.

Trong đó nguyên nhân chủ quan là có sự bất cập về quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất tại các quận, huyện. Các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng. Việc xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện còn chậm trễ, chưa được xử lý kịp thời, triệt để, thiếu kiên quyết. Mô hình tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng đô thị tại các địa phương còn thiếu sự gắn kết giữa các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục về cấp phép xây dựng tương đối khó để người dân thực hiện.

Về việc sửa đổi nâng mức xử phạt xây dựng trên địa bàn Hà Nội, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, nội dung sửa đổi này là tương đối phù hợp với tình hình vi phạm hiện nay và có tính răn đe cao đối với cá nhân có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt này chưa thực sự lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, vì lợi ích đem lại cho các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong hoạt động này là rất lớn.

Đưa ra ý kiến về giải pháp trên phương diện của Luật sư, ông Trương Anh Tú cho rằng, để khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, ngành xây dựng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Có thể kể đến như: Sửa đổi quy định xử phạt phù hợp với tình hình vi phạm hiện nay, quy định cần phải có tính răn đe, xử lý nghiêm và nặng. Đồng thời, cần phải mạnh tay xử lý các công trình vi phạm xây dựng; làm quyết liệt, triệt để, nhưng để thực hiện được tinh thần này cũng cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp chính quyền địa phương.

Đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý trong công tác xây dựng cũng như đội ngũ chuyên môn làm công tác xây dựng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, đội quản lý trật tự xây dựng nếu quá trình xây dựng không bảo đảm khách quan, không theo quy hoạch, xây dựng trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp… Bên cạnh đó, rà soát lại các quy định liên quan lĩnh vực xây dựng để tạo sự đồng bộ, thống nhất, không xung đột nhau để có thể áp dụng thuận lợi trong thực tế.

Theo ông Tú, cần kiên quyết hơn trong việc xử phạt, xử lý các sai phạm, không hợp thức hóa các hành vi xây dựng sai phép, không thỏa hiệp với những vi phạm, nhất là vi phạm đến từ các doanh nghiệp. Cần tiếp tục rà soát, xây dựng những quy trình, quy định, thủ tục và trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, loại trừ các kẽ hở, bất cập để nâng cao tính răn đe đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Việc nâng mức xử phạt cũng nhận được sự đồng tình của cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa bày tỏ, việc tăng mức xử phạt sẽ tạo tính răn đe cao, giúp hạn chế các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong khi đó, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình Vũ Hữu Anh cho rằng, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính bao gồm cả dỡ bỏ phần xây dựng vi phạm, trả lại nguyên trạng công trình. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như cắt điện, nước… đối với công trình vi phạm để việc xử lý đạt hiệu quả.

Hiện dự thảo nghị quyết đang được Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi trình HĐND Thành phố thông qua (dự kiến tại kỳ họp cuối năm 2020).

Khẳng định việc ban hành nghị quyết mới sẽ tạo chế tài mạnh để xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cũng cho hay, đối với vướng mắc, bất cập khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật khác, Sở Xây dựng đã tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã nhằm nâng cao sự chủ động, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.

Thể hiện sự quyết liệt trong công tác ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, mới đây, nêu tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về tình trạng xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)