Theo quy hoạch, TP Hạ Long phát triển theo mô hình đa cực, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng không gian ra các khu vực lân cận với 4 vùng phát triển. Trong đó, vùng phía Bắc định hướng phát triển đô thị, gắn với hệ sinh thái tự nhiên Vịnh Cửa Lục, là khu vực dịch vụ hỗ trợ tối đa cho TP Hạ Long.
Phối cảnh một phần khu đô thị phía Bắc của TP Hạ Long, nằm ở các xã Lê Lợi, Thống Nhất.
Quy hoạch khu vực phía Bắc của thành phố được xây dựng cụ thể ở Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực phía Nam huyện Hoành Bồ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1989/QĐ-UBND, ngày 14/5/2019.
Theo đó, thiết kế đô thị được phân thành 3 vùng kiến trúc cảnh quan: Vùng cảnh quan đô thị sinh thái; vùng hành lang sinh thái nông nghiệp gắn với địa hình dạng thung lũng dọc theo QL279; vùng đồi núi phía bắc thuộc các xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng. Đặc biệt, đô thị được định hướng với các không gian trung tâm: Trung tâm thị trấn Trới, trung tâm đô thị nước, trung tâm đô thị vườn, trung tâm đô thị dịch vụ du lịch.
Tương ứng với 3 vùng kiến trúc cảnh quan kể trên, khu vực đô thị được chia thành 7 vùng quy hoạch: Trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; khu dự trữ phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh; 2 khu phức hợp dịch vụ, thương mại, công nghệ cao; khu công nghiệp, cảng, dịch vụ logistics; khu sinh thái nông nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm; khu sinh thái lâm nghiệp.
Định hướng phát triển chung các khu vực này là cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, gắn với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị di sản truyền thống của khu vực; phát huy yếu tố thuận lợi, tiềm năng phát triển của khu vực, tạo nét đặc trưng mạng đậm bản sắc địa phương. Đồng thời, tổ chức đồng bộ hệ thống trung tâm, các khu nhà ở gắn kết với các dịch vụ hạ tầng theo mô hình đa chức năng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phường Hoành Bồ, tháng 1/2020. Ảnh: Khánh Giang.
Quy hoạch xây dựng cũng gắn với cải tạo và nâng cấp các khu vực hiện có, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, nâng cao điều kiện môi trường sống và cảnh quan chung. Cùng với đó, hạ tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh; xây dựng các khu đô thị cao cấp, hạ tầng hiện đại, mang đặc trưng riêng, bổ trợ cho TP Hạ Long trong việc phát triển đô thị trong tương lai.
Bên cạnh định hướng phát triển kiến trúc, phân khu, quy hoạch khu vực phía Bắc của thành phố còn được định hướng gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với hạ tầng giao thông của tỉnh. Theo đó, hình thành 7 điểm cửa ngõ bao gồm 3 nút giao thông với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, 4 điểm cửa ngõ gắn với QL279 tại các khu vực tiếp giáp.
Ngoài ra, khu vực Vịnh Cửa Lục là cửa ngõ tiếp cận quan trọng nhất của đô thị Hoành Bồ gắn với không gian chính của hình ảnh đô thị và các điểm kết nối bằng giao thông đường thủy thông qua các tuyến sông, mặt nước.
Với định hướng phát triển đô thị theo xu hướng hạ tầng xanh và thông minh, đô thị khu vực cửa ngõ phía bắc của thành phố sẽ tập trung ứng dụng KHCN, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và xây dựng đô thị dịch vụ du lịch quốc tế. Thực hiện trên cơ sở xem xét giải pháp thiết kế phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của khu vực, sử dụng vật liệu tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu các chi phí xây dựng và vận hành đô thị.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế theo hướng phân tán, cân bằng cho từng khu vực, tự xử lý môi trường. Cùng với đó là hệ thống giao thông công cộng, hệ thống hồ điều hòa, thiết bị chiếu sáng, thu gom xử lý nước thải cũng được phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, vận hành công nghệ thông minh, tiết kiệm năng lượng.
Ông Vũ Trường Thành, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long, cho biết: Thành phố đã hoàn thành quy hoạch 1/2.000 cho 5 phân khu đô thị chính với các nội dung chi tiết về diện tích quy hoạch, tính chất, dân số dự kiến, các hạng mục cụ thể cho từng khu vực...
Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục còn thiếu để đưa 2 xã Thống Nhất và Lê Lợi lên phường, tạo đà hiện thực hóa các quy hoạch phân khu. Quá trình triển khai quy hoạch, tỉnh và thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, chiến lược, các cơ sở hạ tầng khung quan trọng. Đồng thời, huy động đa dạng nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự phát triển đô thị khu vực phía Bắc của TP Hạ Long được đồng bộ và toàn diện.