Hạ tầng giao thông của thị xã Sơn Tây ngày càng hiện đại
Thứ nhất là, đến nay thị xã đã cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến đường: Tùng Thiện, hành lang thượng lưu đê Hữu Hồng ra vào cảng Sơn Tây; nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị - phường Xuân Khanh...; hệ thống cấp điện, chiếu sáng công cộng được chú trọng cải tạo, nâng cấp, cơ bản bảo đảm cung cấp đủ, an toàn cho sản xuất và đời sống; hệ thống thoát nước khu vực nội thị và trong các khu dân cư trên địa bàn các xã, phường; việc thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng cơ giới hóa, 100% đường khu vực nội thị được vệ sinh bằng xe chuyên dụng.
Thị xã cũng quan tâm đầu tư hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh tại các phường, xã: Lê Lợi, Ngô Quyền, Phú Thịnh, Xuân Khanh, Viên Sơn, Thanh Mỹ, Sơn Đông, Kim Sơn... tạo điều kiện để người dân khu vực có nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Toàn thị xã đã hoàn thành gắn biển số nhà trên địa bàn 9 phường.
Thứ hai là, thị xã tập trung thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn. Trong 5 năm, thị xã xây dựng 313 công trình với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng 291 công trình, góp phần xây dựng hạ tầng thị xã đồng bộ, hiện đại. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật. 5 năm qua, thị xã triển khai 40 dự án (9 dự án chuyển tiếp, 23 dự án hoàn thành, 8 dự án mới), tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án chuyển tiếp như: Dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy hoạch khu đất 83,78ha của Khu xử lý rác thải Xuân Sơn; dự án Khu đô thị HUD - Sơn Tây; dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích giai đoạn 1; dự án Cải tạo đường điện cao thế 110kV Hà Đông - Sơn Tây...
Thứ ba là, về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân tiếp tục được quan tâm và tập trung chỉ đạo, thu được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện. Trong phát triển nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 5.271 tỷ đồng, tăng bình quân 2,7%/năm; giá trị canh tác ước đạt 102 triệu đồng/ha (tăng 22 triệu đồng/ha so với năm 2015).
Tích cực chỉ đạo chuyển đổi mô hình cơ cấu kinh tế nông nghiệp cây trồng, vật nuôi, thị xã hiện có 110 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 1-3 tỷ đồng/trang trại, tạo việc làm ổn định cho hơn 800 lao động; mô hình sản xuất rau an toàn được duy trì ở phường Viên Sơn và triển khai mô hình mới ở xã Sơn Đông, Xuân Sơn; duy trì ổn định khoảng 260ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
5 năm qua, thị xã đã bố trí 926,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước 835,2 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách 91,1 tỷ đồng) để đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn ở 6 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 6/6 xã đạt xã nông thôn mới và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới đô thị.
Từ nay đến năm 2025, thị xã tập trung phát triển các ngành kinh tế, gắn với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng các tuyến, điểm du lịch, tăng cường công tác quảng bá du lịch trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hóa Làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam...; đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; ưu tiên phát triển các cơ sở dịch vụ (vui chơi, giải trí), lưu trú (khách sạn) chất lượng cao.
Bên cạnh đó là tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm về du lịch; liên kết hình thành tour, tuyến du lịch kết nối vùng Sơn Tây với Ba Vì và tỉnh Phú Thọ... Phấn đấu đến năm 2025 thu hút lượng du khách đến các điểm du lịch trên địa bàn thị xã đạt hơn 2 triệu lượt người.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch (công nghiệp hỗ trợ), duy trì và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống có giá trị kinh tế. Cùng với đó, thị xã tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng, hiệu quả cao và bền vững, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, như: Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế tập thể; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế để đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông thôn, xóm, nội đồng... Thị xã hướng tới phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, có quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại.
Bên cạnh đó, thị xã tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước; thực hiện nguyên tắc đầu tư trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính công, công tác thu ngân sách nhà nước bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thuế, phí và lệ phí theo quy định, phấn đấu vượt thu ngân sách hằng năm hơn 5% theo chỉ tiêu thành phố giao, không để nợ đọng xây dựng cơ bản...
Phát huy giá trị truyền thống văn hóa “Sơn Tây - Xứ Đoài”, thị xã quyết tâm xây dựng, trở thành đô thị vệ tinh Sơn Tây là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật phía Tây Bắc của Thủ đô; đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, gắn với những giá trị lịch sử truyền thống của địa phương...
Cùng với đó, thị xã phấn đấu hoàn thành quy hoạch và quản lý quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu và các quy hoạch chuyên ngành khác), từ đó thu hút, khai thác mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến tới phát triển thị xã Sơn Tây trở thành đô thị xanh, giàu đẹp, văn minh.