Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, sáng - xanh - sạch - đẹp. Những thay đổi rất tích cực này là kết quả của Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2020 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020". Đây cũng là nền tảng quan trọng để Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
Hà Nội đang phát triển đồng bộ về hạ tầng để hướng tới đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên góp phần giảm ùn tắc giao thông tại khu vực. Ảnh: Nguyễn Quang
Tạo chuyển biến trong quản lý đô thị
Cùng với Chương trình số 06-CTr/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ khó, phức tạp như: Giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường; quản lý, vận hành nhà chung cư; bảo đảm trật tự văn minh đô thị... Qua đó huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị.
Nổi bật là công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đô thị trong những năm qua luôn được thành phố đặc biệt chú trọng. Thành phố xác định danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành, như: Cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên, mở rộng đường Phạm Văn Đồng...; 20 dự án đã hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị triển khai.
Thành phố cũng hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm; đồng thời, hoàn thành nhiều dự án giao thông phục vụ đối ngoại, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận. Tính đến hết tháng 6-2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông đạt tỷ lệ 9,89%, dự kiến hết năm 2020 đạt 10,03% (năm 2015, tỷ lệ này là 8,65%).
Cùng với đó, vận tải hành khách công cộng được quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến nay, toàn mạng lưới xe buýt có 127 tuyến (năm 2015 có 91 tuyến), trong đó có 103 tuyến trợ giá; bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã. Hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn bằng đường sắt đô thị từng bước được đầu tư. Trong đó, 2 tuyến đường sắt đô thị hướng tâm: Tuyến số 02A Cát Linh - Hà Đông đang khẩn trương hoàn thành; tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao vào tháng 4-2021 và đoạn ngầm năm 2022.
Ngoài ra, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng được thành phố đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, mức độ dịch vụ đô thị. Đáng chú ý, các dự án phát triển nguồn nước sạch tăng mạnh. Đến hết năm 2019, đã có 4 dự án cấp nguồn hoàn thành, nâng tổng công suất nguồn cấp nước cho thành phố đạt khoảng 1.520.000m3/ngày, đêm (năm 2015 đạt 920.000m3/ngày, đêm). Nhờ đó, thành phố bảo đảm đủ nguồn để cung cấp nước sạch cho người dân; khắc phục tình trạng thiếu nước sạch dịp hè. Đặc biệt, tỷ lệ phủ mạng cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 78% (hết tháng 6-2020), trong khi năm 2015 mới đạt 37%.
Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại
Bên cạnh việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững. Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án (31/33 quy hoạch chung, 26/35 quy hoạch phân khu). Tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch được đẩy nhanh; tỷ lệ phủ kín quy hoạch được nâng cao. Đặc biệt, công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng được siết chặt, hiệu quả.
Song song đó, Hà Nội đã thu hút hiệu quả đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị, khu nhà ở mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đem lại diện mạo đô thị đổi mới, văn minh, hiện đại. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, với một số dự án đang triển khai, như: Công viên Kim Quy, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh.
Trong xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, thành phố chú trọng phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ tại các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Trì. Đáng chú ý, thành phố chủ động xây dựng cơ chế, phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo hình thức đặt hàng.
Cùng với đó, thành phố quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật; triển khai nghiêm túc việc khắc phục tồn tại, yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, tạo những chuyển biến rõ rệt. Các công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát ngay từ khi khởi công đến khi hoàn thành; tỷ lệ công trình vi phạm giảm từ 13,5% năm 2015 xuống còn 3,07% năm 2019 và 9 tháng năm 2020 là 2,25%.
Thành phố cũng quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, cải thiện môi trường hướng tới phát triển đô thị bền vững. Việc ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh hơn.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chương trình, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Đến nay, có 6/9 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành; trong đó 2 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là chương trình trồng 1 triệu cây xanh về đích sớm 2 năm và chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn đạt 78% (vượt mức đề ra là 50%). Thành phố đang tập trung chỉ đạo hoàn thành 3 chỉ tiêu còn lại trong năm 2020 (tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng; diện tích đất dành cho giao thông; tỷ lệ cụm công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung), tạo tiền đề để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại trong giai đoạn tới.