Bình Phước nắm bắt cơ hội phát triển nhanh và bền vững

Thứ ba, 22/09/2020 14:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trước đây, người dân cả nước biết đến Bình Phước là một tỉnh nghèo nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thì nay đã khác. Với quỹ đất, hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo dám “nghĩ lớn”, dám đột phá để phát triển, đã và đang đưa Bình Phước nắm bắt cơ hội phát triển nhanh và bền vững - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Một góc thành phố trẻ Đồng Xoài. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Hiện Bình Phước đang hoàn toàn có đủ các điều kiện về thiên thời, địa lợi và nhân hoà để chủ động phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững. Một số tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng xã hội. Trong khi Bình Phước lại là tỉnh giáp ranh những địa phương này, quỹ đất còn lớn, hệ thống giao thông kết nối đã và đang hoàn chỉnh, địa thế đất cao.

Đây là những điều kiện tốt để Bình Phước đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển; trong đó, phải chủ động để đón những dự án lớn, chiến lược có tính chất lan toả, dẫn dắt, mang lại giá trị gia tăng cao - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước cho biết, trong 5 năm (2015 - 2020), tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Phước đạt 7,27%, quy mô nền kinh tế hiện nay đạt 68.000 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng, gấp 1,54 lần so với năm 2015.

Đặc biệt, thu ngân sách của Bình Phước gấp 2 lần so với nghị quyết đề ra với tốc độ tăng thu trung bình đạt 22%/năm. Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Bình Phước đưa ra mục tiêu năm 2020 thu ngân sách 4.850 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, dự kiến năm 2020 thu ngân sách của Bình Phước sẽ đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Trên địa bàn có 13 khu công nghiệp với diện tích hơn 4.680 ha; trong đó, có 5 khu đã lấp đầy. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng đóng góp 43% giá trị nền kinh tế.

Dự kiến đến năm 2025, thu ngân sách của Bình Phước sẽ đạt gần gấp đôi từ 10.000 tỷ đồng năm 2020 lên 18.500 tỷ đồng vào năm 2025 và tiến tới tự cân đối nguồn ngân sách - ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định.

Ông Huỳnh Thế Du - chuyên gia kinh tế Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, có 3 dấu hiệu hiệu cho thấy cơ hội đang đến với Bình Phước. Thứ nhất là sự lan toả của hoạt động kinh tế trong vùng. Ở thời điểm hiện tại, khi các hoạt động kinh tế của vùng Tp. Hồ Chí Minh đang được lan toả và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn. Bình Phước nơi kết nối cửa ngõ với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn.

Ngoài ra, Bình Phước sẽ trở thành điểm trung tâm trong việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu chỉ ra một diện tích khá lớn của Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ ở dưới đỉnh triều cường vào năm 2050 là những vấn đề lớn đang được đặt ra. Đây là thách thức lớn đối với các tỉnh phía Nam, nhưng cũng là cơ hội lớn đối với những tỉnh như Bình Phước nếu biết cách tận dụng cơ hội vì tỉnh ở vị trí gần như không bị tác động bởi nước biển dâng.

Vấn đề tiếp theo là quyết tâm và khát vọng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như người dân Bình Phước sẽ là động lực cho những cơ hội phát triển của Bình Phước thời gian tới.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc đội ngũ lãnh đạo của Bình Phước phải dám nghĩ lớn, dám làm chứ không giữ mãi tư duy chờ đến khi ổn định rồi mới phát triển; cần thay đổi tư duy, phải nhìn được tiềm năng, lợi thế của tỉnh so với những địa phương khác, toàn vùng cũng như cả nước để thấy được cơ hội của địa phương mà tận dụng để hành động - ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Các chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Fulbright Việt Nam nêu vấn đề, Bình Phước nên khuyến khích cán bộ công chức bước vào “vùng xám” để thực hiện những việc có lợi cho cái chung thay vì làm điều ngược lại. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đứng đầu các sở, ngành, địa phương thực sự là những người dám nghĩ, dám làm, dám xả thân vì mục tiêu chung của tỉnh là rất quan trọng.

Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Far Eastern New Apparel Việt Nam - KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Để tạo bước chuyển cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới, tỉnh đã và đang thực hiện các đột phá như cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu thời gian tới người dân không phải đến cơ quan nhà nước để gửi và nhận hồ sơ; đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng và đưa hạ tầng giao thông đi trước một bước; tập trung cho 2 vùng trọng điểm là Đồng Phú, Chơn Thành để hình thành tam giác phát triển Đồng Phú - Đồng Xoài - Chơn Thành; xây dựng 2 tuyến hành lang song song Quốc lộ 13, Quốc lộ 14; đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách thu hút lao động.

Thời gian tới, Bình Phước tập trung nguồn vốn để triển khai hoặc phối hợp thực hiện các dự án như: đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắc Nông (dự kiến vốn đầu tư 5.700 tỷ đồng); đường sắt Dĩ An - Hoa Lư (vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng); Quốc lộ 14C kết nối Đắc Nông với Bình Phước (vốn đầu tư 767 tỷ đồng)…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện Kinh tế và Quản lý Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù Bình Phước có vị trí địa lý bất lợi trong khả năng kết nối với Tp. Hồ Chí Minh nhưng do quá tải về hạ tầng cũng như nhu cầu chuyển dịch các hoạt động sản xuất sử dụng nhiều lao động ra các vùng phụ cận, do đó Bình Phước là một điểm đến tiềm năng.

Bình Phước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên nổi bật để có thể tạo sức hút đối với nhà đầu tư, ngoại trừ dư địa về quỹ đất phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Đây chính là vấn đề vĩ mô bao trùm của tỉnh trong thời gian tới - chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)