Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi kiểm tra tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nghe báo cáo về Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài.
Thông báo kết luận nêu rõ, Cảng HKQT Nội Bài có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; là cửa ngõ giao thương hàng không của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc với các địa phương và với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong thời gian qua, Cảng HKQT Nội Bài đã từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó hàng hóa công nghệ có giá trị cao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể.
Trong quá trình khai thác với tần suất cao, chất lượng hạ tầng tại Cảng HKQT Nội Bài dần xuống cấp, đặc biệt là đường cất hạ cánh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không. Mặt khác, với tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua (ngoại trừ tác động của dịch bệnh COVID-19), công suất khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài đã vượt công suất quy hoạch, bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải và dự kiến sẽ trầm trọng hơn trong giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo. Mặc dù vậy, việc đầu tư trong thời gian qua còn chắp vá, thiếu khoa học và không bài bản, chưa nghiên cứu mang tính tổng thể, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, năng lực vận tải và mỹ quan chung của Cảng HKQT Nội Bài.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hàng không nói chung và Cảng HKQT Nội Bài nói riêng, bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần quy hoạch một cách khoa học, có tầm chiến lược dài hạn. Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo tổ chức nghiên cứu quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài và đưa ra phương án chọn. Đây là tiền đề quan trọng để từng bước thực hiện đầu tư các hạng mục công trình, nâng công suất Cảng HKQT Nội Bài đạt 60 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 100 triệu hành khách vào năm 2050.
Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài, tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020, Chính phủ đã xác định đây là công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp và thống nhất nguồn vốn thực hiện dự án; Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thực hiện theo hình thức giao thầu. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục quán triệt đến các đơn vị thực hiện tốt công tác phối hợp, vừa bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công công trình, đặc biệt là đảm bảo an toàn hàng không.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo điều hành, phân bổ hợp lý giờ cất hạ cánh của các hãng hàng không, bảo đảm an toàn trong thời gian thi công đường cất hạ cánh, đồng thời ảnh hưởng ít nhất đến việc khai thác của các hãng hàng không.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bảo đảm đủ vốn cho 02 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Về Quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải và Tư vấn rà soát lại phương án chọn để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ nêu tại Thông báo số 403/TB-VPCP ngày 22/11/2019; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt quy hoạch trong năm 2020, bảo đảm tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2021, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ và UBND thành phố Hà Nội quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối và các quy hoạch có liên quan; đồng thời, làm việc với Bộ Quốc phòng và UBND thành phố Hà Nội thống nhất phương án thu hồi đất.
UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đô thị khu vực sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc Thủ đô.