Nếu lấy mốc từ năm 2010 đến nay, có thể nói việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Long An đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Với nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, đã tạo ra cảnh quan mới, diện mạo đô thị của Long An ngày càng khang trang, sạch đẹp, khởi sắc hơn; qua đó, chất lượng đời sống của người dân cũng từng bước được nâng cao. Điều đó cũng góp phần quan trọng tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại và dịch vụ, tạo động lực phát triển công nghiệp của tỉnh.
Thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện đại nhìn từ trên cao. Ảnh: Công Toại
Xây dựng đô thị trung tâm
Nhiều năm qua, Tân An được xác định là đô thị trung tâm của tỉnh, nhưng vẫn còn nhỏ hẹp so với vị thế của một đô thị tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh. Những năm qua, tỉnh Long An huy động nhiều nguồn lực, để tập trung “nâng” Tân An xứng tầm là đô thị trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh nhà. Quả thật, chỉ sau một khoảng thời gian, Tân An liên tục được nâng cấp từ thị xã Tân An lên thành phố Tân An vào năm 2009 (đô thị loại III), rồi tiếp tục được nâng lên đô thị loại II. Hướng đến, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng thành phố Tân An thành đô thị loại I.
Bà Lê Thị Tư, một người dân sống lâu năm tại TP Tân An, cho biết: “So với lúc trước, Tân An bây giờ đẹp lắm, tuy nó không bằng những thành phố lớn ở nơi khác, nhưng đối với tôi, được như bây giờ là quá đẹp, quá tốt rồi”. Không chỉ bà Tư, mà nhiều người dân sống lâu năm ở đây ai cũng hài lòng với diện mạo mới của TP Tân An hôm nay, dù nhiều người cho rằng chính quyền lãnh đạo cần chăm lo cho thành phố thêm nữa để nó xứng tầm là thành phố trung tâm của tỉnh. Bởi ngoài đường sá, trường học, bệnh viện, siêu thị, công viên… được xây mới, nâng cấp, phục vụ tốt hơn cho đời sống người dân, nhưng hình như TP Tân An còn quá chật hẹp, cần phải mở rộng trong thời gian tới.
Ông Lê Công Đỉnh, Chủ tịch UBND TP Tân An, cho biết, Tân An được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II là thời cơ và thách thức lớn với thành phố. Nhất là công tác quản lý, quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là xây dựng đô thị thông minh.
“Năm 2020 và các năm tiếp theo, Tân An tập trung hoàn thiện và nâng cao các chỉ tiêu đô thị loại II, nâng chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, thân thiện. Để làm được điều này, thành phố huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng, phát triển đô thị, nhất là việc phấn đấu sau năm 2025, TP Tân An đạt chuẩn đô thị loại I theo kế hoạch đề ra”, ông Đỉnh cho biết.
Hướng đến phát triển đô thị vùng Đồng Tháp Mười
Từ khi được công nhận đô thị loại IV vào năm 2007, rồi được nâng lên thành thị xã vào năm 2013, diện mạo của thị xã Kiến Tường - một thị xã giữa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã không ngừng đổi mới từng năm. Có thể thấy, nhờ tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các công trình công cộng, hệ thống hạ tầng, vừa phục vụ sản xuất vừa chỉnh trang đô thị, chỉ trong vài năm, từ một thị trấn nhỏ, Kiến Tường trở thành thị xã trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn.
Ông Nguyễn Văn Tài, người dân sống ở phường 1, thị xã Kiến Tường, tự hào khoe: “Bây giờ ở đây ngon rồi, không còn tù mù như lúc trước. Đường sá, đèn đóm, trường học, bệnh viện đều được xây mới, nên cuộc sống bây giờ rất thoải mái”.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch thị xã Kiến Tường, cho biết: Công tác quy hoạch chung của thị xã theo đúng hướng, từ đó làm cơ sở để đầu tư các công trình kiến trúc dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật. Hàng năm, địa phương tập trung nguồn lực để nâng cao các tiêu chí đô thị. Từ năm 2015 đến nay, thị xã đã bố trí gần 800 tỷ đồng để thực hiện gần 1.000 danh mục công trình. Thị xã cũng tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, chủ yếu là thương mại dịch vụ, xây dựng, công - nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hiện nay, thị xã Kiến Tường tập trung các dự án hạ tầng để thu hút đầu tư, từ đó tạo ra việc làm, nâng cao đời sống người dân, thu hút được nhân lực, vật lực từ nơi khác đến định cư, sinh sống.
“Cái đáng mừng ở đây là sự phát triển của Kiến Tường có bàn tay cùng xây dựng của người dân, nhờ vậy góp phần quan trọng để đô thị phát triển hài hòa, bền vững, kiến trúc đô thị ngày một khang trang, sạch đẹp”, ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Quyền Giám đốc Sở Xây dựng Long An, cho biết: Long An có diện tích tự nhiên gần 4.500km², dân số khoảng 1,5 triệu người, với 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 13 huyện với 18 khu đô thị). Tỉnh lấy đô thị TP Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh. Lấy thị xã Kiến Tường làm đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, vùng giáp ranh với TPHCM. Với vị trí khá đặc biệt là nằm ở vùng ĐBSCL nhưng lại có mặt trong Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, nên Long An cũng là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với ĐBSCL. Ngoài ra, Long An cũng có đường biên giới dài 137,7km giáp ranh Vương quốc Campuchia, kết nối qua hai cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (ở thị xã Kiến Tường) và của khẩu quốc gia Tho Mo (huyện Đức Huệ).
Nhờ được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2011/NQ-HĐND và 2 năm thực hiện Quyết định số 2388/QĐ-UBND ngày 17-7-2018 về phê duyệt Chương trình trình phát triển đô thị tỉnh Long An định hướng đến năm 2030, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng để từng địa phương phát triển các đô thị mới, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị của tỉnh theo mạng lưới đô thị quốc gia. Đây là sự cố gắng rất lớn từ các cấp ủy Đảng, từ các sở ngành tỉnh, các địa phương để phấn đấu hoàn thành Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2020 đúng tiến độ, nâng chất lượng cuộc sống người dân, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.