Ảnh minh họa
Nghị quyết nêu rõ, về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ được phân công chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tăng cường công tác xây dựng pháp luật thuộc thẩm quyền, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành theo đúng chương trình, kế hoạch, bảo đảm chất lượng các dự án, dự thảo; khẩn trương rà soát các vướng mắc, bất cập, báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 7/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, để xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao xây dựng văn bản quy định chi tiết theo phân công của Thủ tướng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng trong tháng 9 năm 2020; đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh, ý kiến của các bộ, ngành có liên quan; đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời các vướng mắc; nghiên cứu tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến khác nhau trước khi hoàn thiện dự án, dự thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Tư pháp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ngăn chặn tệ nạn ma túy
Về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Chính phủ thống nhất với nội dung cơ bản của dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đấu tranh, phòng, chống, ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả đối với tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn ra phức tạp ở trong nước và trên thế giới; đồng thời, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, cũng như phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Về các vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất: (1) Dự án Luật quy định người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị Tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (2) Chính phủ quy định chi tiết việc lập hồ sơ đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập để cai nghiện ma túy bắt buộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp này tại Tòa án nhân dân.
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Đánh giá tác động khi nhập 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách
Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đây là dự án Luật mới, quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an trong một thời gian ngắn đã chủ động, khẩn trương, đồng thời vừa đề xuất Đề nghị xây dựng và hoàn thành việc nghiên cứu, soạn thảo, trình Chính phủ dự án Luật.
Chính phủ thống nhất với nội dung cơ bản của dự án Luật. Về một số vấn đề quan trọng của dự án Luật, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất: (1) Quy định đầy đủ hơn về tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy trình tuyển chọn vào Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết vấn đề này; (2) Quy định về việc hình thành tổ chức cụ thể của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải thể hiện rõ tính tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở, không hành chính hóa; tổ chức và hoạt động phải bảo đảm tính linh hoạt, hợp lý, phù hợp với đặc điểm dân cư, với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự của từng vùng miền, từng khu vực, tránh tình trạng dập khuôn, “cào bằng”; tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và đóng góp của Nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; quản lý của chính quyền địa phương, cơ sở; sự chỉ huy thống nhất, thông suốt về chuyên môn, hoạt động của Công an xã, phường, thị trấn; (3) Quy định đầy đủ cơ chế phối hợp của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các lực lượng công an và các tổ chức tự quản tại địa phương, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Chính phủ đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tiếp tục đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn về tổ chức, thành phần, số lượng, cơ cấu, khi nhập 03 lực lượng: Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng thống nhất và đánh giá tổng dự kiến mức chi, nguồn kinh phí bảo đảm điều kiện hoạt động của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, bảo đảm tính khả thi; rà soát các Luật có liên quan: Luật Cán bộ, công chức, Luật Cư trú, Luật Thi hành án hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế,… để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Nếu cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của các luật có liên quan thì sửa đổi, bổ sung ngay tại Luật này để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính
Về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ thảo luận và thống nhất: dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.
Do còn ý kiến khác nhau, nên trong Tờ trình Quốc hội về dự án Luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, theo 2 phương án: Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Phương án 2: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Về những vấn đề khác có ý kiến khác nhau, Chính phủ thống nhất: Quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/01 năm, nếu trong 01 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 01 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hàng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân; dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc; Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, về cơ bản, các vấn đề thuộc nội dung của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được quy định theo hướng mang tính nguyên tắc, nhất là về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.
Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành và thông qua nội dung cơ bản của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh bao gồm các vấn đề: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ; hệ thống báo hiệu đường bộ gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tổ chức giao thông gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về một số vấn đề cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất như sau: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ; phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng, ban hành quy tắc giao thông đường bộ, chương trình, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông cho phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải về giao thông đường bộ, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan có liên quan rà soát, kịp thời đề xuất chỉnh lý các nội dung quy định cụ thể của từng dự án Luật, nhất là đối với các vấn đề có sự giao thoa, chồng lấn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp.