Các chuyên gia về kinh tế và bất động sản cho rằng ý tưởng thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, giới đầu tư, với kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho TP.HCM và các khu vực lân cận.
“TP.HCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước. Kích cầu tiêu dùng ở TP.HCM góp phần kích cầu cả nước, lan tỏa cả nước. TP.HCM cần hướng mạnh mẽ vào dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, tài chính - ngân hàng, chứng khoán, du lịch, bởi dịch vụ chiếm trên 60% GDP của TP.HCM. Trong đó, dịch vụ bất động sản cần quan tâm ngắn hạn, dài hạn, cả bất động sản du lịch; phải quy hoạch phát triển hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp để xây dựng nhà ở cho người dân...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo mang tính định hướng với sự phát triển của TP. HCM.
Metro sẽ hỗ trợ tối đa sự phát triển của khu Đông
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM cần có lực gia tốc mới đẩy thị trường vượt ngưỡng hiện nay. Trong đó thành phố phía Đông là một lực đẩy mới như vậy. Ông Châu dẫn chứng, khi cả 8 tuyến Metro đi vào hoạt động, khi tuyến đường sắt chuyên dụng vận tải hàng hoá, thì tình trạng ùn tắc vào cửa ngõ TP.HCM sẽ được cải thiện đáng kể. Khi TP.HCM quyết định thành lập thành phố phía Đông, khi các huyện có khả năng lên quận, thành phố có thêm lực hút từ khu vực này.
Các chuyên gia về kinh tế và bất động sản cho rằng ý tưởng thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, giới đầu tư, với kỳ vọng tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho TP.HCM và các khu vực lân cận.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng khẳng định khi sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ tạo điều kiện cho các nguồn lực mới để tạo đà phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, 3 quận trên có các yếu tố khác nhau nhưng có tác động hình thành các động lực tăng trưởng mới. Đây là nơi có cường độ công nghệ cao ứng dụng cao nhất cả nước; nơi có cường độ đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước và cũng là nơi có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. Dự kiến đơn vị mới này có quy mô lớn (khoảng 22.000 ha, bằng 1/10 diện tích toàn thành phố; dân số trên 1 triệu, dự kiến đóng góp 1/3 kinh tế cho thành phố) nên có thể hình thành một thành phố trong thành phố như quy định.
Không chỉ phát triển về phía Đông, TP.HCM sẽ quy hoạch thành nhiều trung tâm, đi theo mô hình "đa cực". Khu vực nội đô hiện hữu sẽ được cải tạo lại, không gian ngầm quanh khu vực nhà ga metro sẽ được phát triển thành các trung tâm thương mại, tiện ích cùng với phương tiện công cộng. Thành phố sẽ phát triển thêm về 4 hướng theo quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch. Cụ thể phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) phát triển theo hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; các khu đô thị mới dọc Xa lộ Hà Nội với điểm nhấn là khu Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, khu công nghệ cao; Phía Tây Nam (Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân) chỉ phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp; Phía Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn) có điều kiện tự nhiên và quỹ đất phù hợp để phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; Phía Nam (quận 7, Nhà Bè), căn cứ vào địa hình vốn nhiều sông rạch, điều kiện thủy văn, quỹ đất phát triển đô thị, thành phố sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật, phục vụ tiêu thoát nước...
Thực vậy, thời gian qua, ngành giao thông vận tải TP.HCM đã đưa nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2030 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7… Cũng vậy, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết sẽ đồng loạt triển khai 13 dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng vốn hơn 3.500 tỷ đồng. Trong đó, khu Tây có đến bốn dự án là cầu Kênh A, cầu Kênh B, hệ thống thoát nước hương lộ 11 ở Bình Chánh và đường Trần Văn Giàu thuộc quận Bình Tân…
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhiều lần khẳng định với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, thành phố sẽ phải phát triển liên tục, không ngừng. Do đó, quy hoạch bổ sung sắp tới sẽ phải đáp ứng được 2 tiêu chí là hấp dẫn đối với doanh nghiệp và tạo đồng thuận của xã hội. Cụ thể, TP.HCM sẽ bổ sung quy hoạch theo hướng mở, ban hành quy chế quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch với trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2020 thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế - xã hội với 21 chỉ tiêu; trong đó, tăng cường quản lý trật tự đô thị, xây dựng trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù. TP.HCM tập trung chuyển đổi và khai thác nguồn lực đất đai, thực hiện các đề án lớn như điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố, xây dựng chính quyền đô thị, phát triển thành phố thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Đồng thời, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các dự án, đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh các bất cập, không đồng bộ giữa quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, nâng cao chất lượng quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, rà soát quy hoạch xây dựng, cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị. Những định hướng nêu trên hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề của thành phố; trong đó, có lĩnh vực kinh doanh bất động sản - vốn là ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố.
Liên quan đến việc phát triển thị trường bất động sản của TP.HCM, trong buổi làm việc trung tuần tháng 7/2020 với UBND TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP.HCM không thể để tình trạng “khan hiếm hàng”, đặc biệt ở TP.HCM là mặt hàng bất động sản. Vì theo báo cáo có trên 80% người lao động ở TP.HCM chưa có nhà ở, nhất là người lao động ở quận Bình Tân và huyện Bình Chánh do đó cần phải xây dựng nhà cho người dân để giải quyết việc làm cho các đối tượng này.