Tính đến nay, hệ thống cấp nước nông thôn Hà Nội có khả năng cung cấp được cho 78% người dân khu vực các thôn, xã. UBND thành phố Hà Nội hiện đang tiếp tục chỉ đạo Nhà đầu tư tập trung nguồn lực, tăng tỷ lệ người dân đấu nối sử dụng nước sạch và rà soát các xã chưa được xây dựng hệ thống cấp nước tập trung.
Ảnh minh họa
Khu vực nông thôn Hà Nội có 416 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 18 huyện thị. Giai đoạn năm 2016 có 124/416 xã có công trình nước sạch nông thôn, tỷ lệ số người dân được sử dụng nước sạch khoảng 37,2% (với 1.612.000 người, tương đương 403.000 hộ); còn lại 63,8% (với 2.719.000 người, tương đương 679.750 hộ) sử dụng nước hợp vệ sinh từ nguồn giếng khoan, giếng đào tự đầu tư của người dân và nguồn nước mưa…
Đến nay, Hà Nội đã có 250/416 xã đã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của Thành phố theo hình thức xã hội hóa. Hệ thống cấp nước nông thôn có khả năng cung cấp được cho 78% người dân với (3,520 triệu người, 880.135hộ). Tuy nhiên sau khi đầu tư hệ thống cấp nước tập trung thì tỷ lệ người dân đấu nối sử dụng nước chỉ đạt khoản (60%-70)%; một số khu vực tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp như: Chương Mỹ (32%); Mỹ Đức (40%); Ứng Hòa (38%), Thường Tín (45%)...
Đối với các xã chưa được xây dựng hệ thống cấp nước tập trung 166/416, UBND thành phố Hà Nội hiện đang chỉ đạo nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển mạng khu vực nông thôn đã được UBND Thành phố giao triển khai thực hiện hoàn thành các dự án đã được giao đang triển khai thực hiện nhưng triển khai chậm (136 xã). Đồng thời tiếp tục kêu gọi các Nhà đầu tư triển khai 30 xã chưa có nhà đầu tư; giao Ban QLDA các công trình Cấp nước, Thoát nước và Môi trường Thành phố khẩn trương triển khai dự án cấp nước cho những khu vực không thể triển khai hệ thống cấp nước tập trung.
Thành phố cũng yêu cầu các Sở ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các Chủ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn Thành phố, báo cáo kịp thời Thành phố nếu vượt thẩm quyền; đôn đốc triển khai các dự án cấp bách và các dự án ưu tiên theo quy hoạch cấp nước đảm bảo cho các năm tiếp theo; rà soát điều chỉnh giá nước, đề xuất cơ chế hỗ trợ giá nước phù hợp cho khu vực nông thôn, phù hợp với điều kiện thực tế...; đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ, không thực hiện... chuyển giao Nhà đầu tư để triển khai dự án hoàn thành theo kế hoạch.
UBND các huyện cũng đang tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch sau khi các Nhà đầu tư triển khai mạng cấp nước tập trung; tổ chức kiểm tra đánh giá và tuyên truyền người dân ngừng khai thác nước ngầm tại các giếng khoan hộ gia đình khi đã có nước sạch.